Khánh Hòa: Số người mắc bệnh giun sán chó, mèo tăng cao

Minh Anh (t/h)|27/11/2019 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Gần đây, nhiều người dân ở Khánh Hòa hết sức lo lắng khi số ca mắc bệnh sán chó tăng đột biến. Nhiều người lo ngại vì bệnh này rất dễ lây lan, khó phát hiện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa những ngày này rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị đủ các loại bệnh, trong đó có bệnh giun sán chó, mèo. Trước đây, mỗi tháng, bệnh viện chỉ tiếp nhận từ 50-100 ca mắc nhưng từ 6 tháng nay đã tăng lên 200 ca mỗi tháng.

Ảnh minh họa

Lo lắng, thậm chí có người hoang mang, nhưng điều đáng nói là đa phần người dân lại chưa nắm bắt rõ ràng cách phòng ngừa cũng như phải điều trị kịp thời. Có phải do nuôi chó mới mắc bệnh sán chó, vì sao nhiều gia đình không nuôi chó mà vẫn có người nhiễm sán chó, làm thế nào để phòng ngừa, những băn khoăn, lo lắng này là điều khó tránh khỏi khi nhiều người cho đến lúc này vẫn chưa hiểu hết về bệnh sán chó. Nhu cầu bức bách lúc này đối với nhiều gia đình là cần được khuyến cáo cụ thể từ phía cơ quan y tế trước diễn biến có chiều hướng gia tăng của bệnh sán chó.

Với phác đồ điều trị hiện nay, bệnh sán chó có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vẫn có trường hợp tái nhiễm trong điều kiện vệ sinh còn hạn chế. Do đó, theo các bác sĩ, để dự phòng lây nhiễm sán chó, điều mấu chốt vẫn là giữ vệ sinh, tránh tiếp xúc với chó mèo, rửa tay trước khi ăn. Được biết, sán chó được ghi nhận có mặt ở trên 80% đàn chó vùng nhiệt đới và bệnh sán chó có thể xuất hiện ở mọi nơi từ thành phố đến nông thôn.

Bệnh giun sán chó có biểu hiện rất giống với nhiều bệnh da liễu khác. Da có thể nổi mẩn ngứa, mụn nhỏ, bầm tím, người mệt mỏi, đau bụng, ăn không ngon, giảm cân, ho, khò khè như bị suyễn… Những người nuôi chó, mèo trong nhà có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun sán nên đến ngay cơ sở y tế để khám.

Cũng theo bác sỹ Đỗ Duy Bình, hiện bệnh giun sán chó, mèo ở người chưa có vắc xin phòng bệnh, cần phải chủ động phòng chống; vệ sinh thường xuyên cho vật nuôi, xổ giun định kỳ.

“Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó ngày càng nhiều trong cộng đồng. Rất nguy hiểm, có thể di chuyển lên não, gây ra nhức đầu, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật, động kinh, u hạch võng mạc, giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Khuyến cáo của chúng tôi là hãy giữa gìn vệ sinh, tránh tiếp xúc với chó mèo, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn”, bác sĩ Đỗ Duy Bình khuyến cáo.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: Số người mắc bệnh giun sán chó, mèo tăng cao