Cần sớm loại bỏ bao bì thực phẩm làm từ nhựa

Minh Anh (T/h)|26/11/2019 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam 2019 với chủ đề “Hành động vì phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn” vừa diễn ra tại Hà Nội, ngày 25/11.

Trong nhiều thập kỷ, bao bì thực phẩm và đồ uống là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, và việc quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa sau tiêu dùng để không tạo gắng nặng lên môi trường chính là vấn đề phức tạp, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện cũng như cam kết từ tất cả các bên liên quan trong khu vực công – tư ở các khía cạnh, từ xây dựng khung chính sách, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững, đối mới công nghệ tiên tiến,…

Thông tin tại diễn đàn cho biết, ước tính Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và bị xếp hạng 4 trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển. Việt Nam đã tạo ra hơn hai triệu tấn chất thải nhựa trong năm 2017. Dựa trên các yếu tố về phát triển xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030. Đã đến lúc phải hành động để đáp ứng chương trình hoạt động của UN và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giảm rác thải nhựa vào ngày 7-8-2019.

Do đó, tại phiên thảo luận thứ nhất của diễn đàn, các diễn giải đã nêu lên những thực trạng về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt của các nước trên thế giới cũng như giới thiệu một số giải pháp toàn diện để các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng có thể nhanh áp dụng mô hình vòng tuần hoàn bền vững cho bao bì thực phẩm và đồ uống. Với tư cách là các tổ chức liên quan chính yếu và có khả năng thực hiện các thay đổi và biến tham vọng thành kết quả, cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ sẽ trở thành người tiên phong để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam và trên thế giới.

Cần giảm thiểu dần loại bỏ bao bì thực phẩm làm từ nhựa, Ảnh minh họa

Ngoài ra, trong phiên đối thoại thứ hai, các diễn giả đã tập trung thảo luận chính sách, quy định về quản lý chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa trong ngành thực phẩm và đồ uống, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi, hài hòa với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.

Nhiều học giả khẳng định, chất lượng và tiêu chuẩn là đặc điểm cơ bản để đánh giá tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là đối với thực phẩm và đồ uống vì chúng giúp người tiêu dùng hiểu các thông tin quan trọng về sản phẩm họ mua và đồng thời cải thiện tính minh bạch trong quản lý thực phẩm. Việc cải tiến tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm cũng sẽ dẫn đến tăng khả năng được xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước bằng cách chuẩn hóa các quy định về chất lượng đáp ứng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam Mary Tarnowka cho biết, khi dân số Việt Nam tiếp tục tăng, cùng sự gia tăng về thu nhập, sức mua và nhu cầu đối với những thị trường thực phẩm, đồ uống mới, các vấn đề về tính bền vững cũng như các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. Các thảo luận trong diễn đàn sẽ thúc đẩy các quy định được cải tiến dựa trên khoa học phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm các sản phẩm thực phẩm và đồ uống an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững. Những tiêu chuẩn đó cũng tạo điều kiện cho Việt Nam tăng nhanh xuất khẩu thực phẩm và đồ uống.

Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh, đánh giá cao ý kiến có một diễn đàn thường niên của ngành thực phẩm và đồ uống. Vì đây sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu cùng nhau thảo luận về chính sách, quy định, tiêu chuẩn, môi trường kinh doanh, sản xuất và phát triển bền vững đối với ngành sản xuất quan trọng này.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần sớm loại bỏ bao bì thực phẩm làm từ nhựa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.