Khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết những tháng cao điểm

Hồng Minh (T/h)|07/10/2020 12:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tại Việt Nam, số ca mắc sốt xuất huyết cao điểm trong tháng 10 và 11 hàng năm. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ để khống chế số ca mắc, hạn chế tối đa số ca tử vong. Tuy nhiên, khó khăn thách thức cho công tác phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn.

Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận trên 65.000 trường hợp mắc, 7 ca tử vong, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2019, tử vong giảm 32 trường hợp (giảm 82%).

“Tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 8 tháng từ đầu năm 2020 là 0,01%, thấp nhất trong 10 năm qua và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Philippines 0,36%, Malaysia 0,16%, Lào 0,22%) và thấp hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (≤ 0,09%).

Phun hóa chất là biện pháp quan trọng nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: DN

Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng từ tuần 30. Dự báo thời gian tới tiếp tục ghi nhận số mắc và có thể có tử vong do đang vào thời điểm thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển theo diễn biến dịch tễ hàng năm” – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống sốt xuất huyết và bạch hầu diễn ra vào tháng 9 vừa qua.

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết dự báo sẽ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Hiện đang vào mùa mưa, vào thời điểm này năm trước, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10-11.

Theo Cục Y tế dự phòng, tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh cũng như bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Sự giao lưu đi lại giữa các vùng miền trên cả nước cùng với sự di biến động dân cư ngày càng mạnh mẽ nên làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Đặc biệt, hiện nay bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tập quán tích trữ nước của người dân, các công trình xây dựng ngày càng nhiều… là những vấn đề khó giải quyết và cần có kinh phí, thời gian để can thiệp.

Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch và thực hiện diệt lăng quăng (bọ gậy) là nguồn truyền bệnh quan trọng ngay tại hộ gia đình. Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà còn cao dẫn đến biến chứng nhanh và tử vong.

Cục Y tế dự phòng cũng cho hay: Kinh nghiệm chống dịch cho thấy, nếu phát hiện sớm và xử lý ổ dịch triệt để ngay từ ban đầu, kết hợp đồng bộ với các hoạt động chủ động khác như phun hóa chất diện rộng tại các điểm nguy cơ cao, củng cố và duy trì mạng lưới cộng tác viên tới từng nhà để tuyên truyền và phối hợp điều tra ca bệnh;

Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng ngay từ các tháng đầu năm trước mùa mưa hay giám sát trọng điểm để theo dõi sự lưu hành của tuýp vi rút… thì dịch bệnh sẽ được khống chế và giảm tối đa số mắc và tử vong, khó bùng phát thành dịch lớn.

“Các hoạt động này cần phải thực hiện sớm mới phát huy hiệu quả cao, tuy nhiên kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết hiện nay vẫn còn rất hạn chế và cắt giảm, một số địa phương kinh phí cấp muộn nên việc triển khai hoạt động phòng chống dịch chủ động và đáp ứng chống dịch gặp nhiều khó khăn”- đại diện Cục Y tế dự phòng cho hay.

Hồng Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết những tháng cao điểm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.