Khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa

Mai Hạ|31/03/2023 20:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Làm việc với Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ "rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa".

31-vdh.jpg
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ VHTT&DL.

Sáng 31/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ VHTT&DL. Tham dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh…

Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cuộc làm việc nhằm rà soát lại thể chế, chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực mà Bộ VHTT&DL phụ trách, nhất là lĩnh vực văn hóa, theo tinh thần Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa", công tác tổ chức Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Tạo đột phá cho phát triển văn hóa

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, hệ thống pháp luật về văn hoá hiện có 170 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 5 luật, 33 nghị định, 10 chỉ thị... Trong 9 lĩnh vực chuyên môn về văn hoá, hiện đã có 5 lĩnh vực được điều chỉnh bằng luật, 3 lĩnh vực được điều chỉnh bằng nghị định, chỉ còn lĩnh vực văn học chưa có văn bản pháp luật riêng điều chỉnh trực tiếp.

Về cơ bản, hệ thống pháp luật về văn hoá hiện đã bao quát, toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, văn hoá và hệ thống pháp luật nói chung; minh bạch, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần thúc đẩy các nguồn lực xã hội tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực văn hoá, bảo đảm để phát triển phong phú, đa dạng hơn theo đúng các nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật quy định.

Bộ VHTT&DL nhận thức sâu sắc nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về văn hoá, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc Hội thảo Văn hoá năm 2022.

Đến nay, Bộ VHTT&DL đã xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá. Bộ cũng đang tập trung xây dựng 2 đề án trọng tâm về Xây dựng Bộ Chỉ số văn hoá quốc gia vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã chia sẻ những nội dung về mặt thể chế, chính sách pháp luật để giải quyết những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; nguồn lực để phát triển văn hóa; công tác phối hợp tổ chức hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với vai trò là "nền tảng tinh thần của xã hội", trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước văn hóa đều mang sứ mệnh cao cả, "dẫn đường" cho sự đổi mới, vượt qua mọi khó khăn.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ VH-TT&DL triển khai các giải pháp thúc đẩy du lịch sau đại dịch; khẩn trương xây dựng Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045; lựa chọn các nhiệm vụ, dự án, vấn đề cấp bách cần ưu tiên triển khai trong lĩnh thể thao, văn học, nghệ thuật, di sản, môi trường văn hóa,...

Phó Thủ tướng cũng nêu đặc thù hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang tính sáng tạo, khó lượng hóa, đánh giá nên khuôn khổ hành lang pháp lý, thể chế trong lĩnh vực này vừa thiếu, vừa vướng mắc cả ở các luật chuyên ngành cũng như các luật liên quan đến đầu tư, đầu tư công, đất đai, thuế… Vì vậy, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết để giải quyết những vướng mắc trong phân cấp quản lý, đầu tư, phát triển hạ tầng thể thao, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh…

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, huy động sự tham gia các tổ chức, đội ngũ nhân sỹ, trí thức, các nhà văn hóa để xây dựng, đề xuất các giải pháp chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam.

Đóng góp vào nội dung Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu sắp diễn ra tại Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để các nghị sĩ trẻ thảo luận những vấn đề về tương lai của thế giới như biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, an ninh lương thực, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; những thách thức mà văn hóa phải vượt qua để bước vào giai đoạn phát triển mới, đóng vai trò quyết định trong xây dựng đạo đức, chuẩn mực ứng xử với tự nhiên, xây dựng văn minh sinh thái; những khuyến nghị về phát triển đối với Việt Nam; quảng bá văn hóa, đất nước, con người, thiên nhiên Việt Nam đến bạn bè quốc tế;…

Tiếp tục hoàn thiện thể chế văn hóa

31-tr-hong-ha.jpg
Tham dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường,...

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của ngành VHTT&DL trong thời gian qua. Bộ đã tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai, xây dựng được rất nhiều chương trình, kế hoạch, đề án cho sự phát triển của văn hóa. Nhiều hội nghị chuyên đề, văn hóa, thể thao được tổ chức và nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, bảo tồn các di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm sâu sắc, nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh (kể cả vật thể và phi vật thể); chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; công tác văn hóa vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, miền núi cũng được quan tâm…

Bộ cũng đã tổ chức thành công và tham gia nhiều giải thể thao lớn, như đại hội TDTT các cấp, đại hội thể thao toàn quốc, SEA Games 31…; thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh. Du lịch phục hồi cả về số lượng khách, tổng doanh thu.

Về công tác xây dựng thể chế, Bộ đã đổi mới về cách thức tiếp cận và tư duy, chuyển từ tư duy "Làm văn hóa" sang tư duy "Quản lý nhà nước về văn hóa" và kiến tạo cho văn hóa, thể thao, du lịch phát triển. Đồng thời chú trọng xây dựng thể chế, luật pháp, nhất là Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chương trình xây dựng Luật toàn khóa thì Bộ VHTT&DL cũng đã đóng góp với Chính phủ, cùng Quốc hội thông qua nhiều bộ luật quan trọng, điển hình là Luật Điện ảnh sửa đổi; phối hợp với các bộ ngành sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có lĩnh vực sáng tác và đang nghiên cứu, rà soát nhiều luật khác…

Thời gian tới, Bộ cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất; từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bộ VHTT&DL cần thường xuyên rà soát, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021; kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa 2022 về 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện ngay nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Đối với các vấn đề chưa được thể chế hóa, nhất là các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu, căn cứ lý luận, thực tiễn và đề xuất ban hành các luật, quy định chuyên ngành như Luật Mỹ thuật, Luật Nhiếp ảnh, Luật Bản quyền tác giả… Đối với những lĩnh vực quan trọng mà Bộ VHTT&DL chưa đề nghị xây dựng luật, cần rà soát, tập trung đánh giá để xây dựng lộ trình phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ "rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa".

Những nội dung khác cần được quan tâm là tập trung phối hợp các ban, bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cấp bách, đặc thù cần có cơ chế, giải pháp riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045; chung quanh nội dung tập trung triển khai Nghị quyết 572 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 trong lĩnh vực văn hóa, du lịch,

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTT&DL phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chuẩn bị tốt cho phiên giải trình về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2021, dự kiến tháng 12/2023; quan tâm và có biện pháp hiệu quả để giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực Bộ phụ trách, trong đó có kiến nghị về việc cổ phần hóa các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành văn hóa.

Về Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng việc Quốc hội đăng cai tổ chức sự kiện này và nêu rõ, Hội nghị sẽ có 3 phiên chuyên đề về chuyển đổi số; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Trong đó, phiên chuyên đề thứ 3 liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ VHTT&DL.

"Đây là cơ hội quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới, đề nghị Bộ VHTT&DL nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung được phân công. Đặc biệt chú ý đến tính kết nối giữa các chủ đề chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, con người trong phát triển bền vững…", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị.

Về các đề xuất kiến nghị của Bộ, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình; cho rằng đối với các kiến nghị về: Thiết lập đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm; việc thành lập văn phòng đại diện xúc tiến du lịch quốc gia tại các thị trường nguồn khách trọng điểm của du lịch Việt Nam, đề nghị Bộ đối chiếu với các quy định hiện hành, xây dựng đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa