Các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Vật liệu và Kỹ thuật Ninh Ba (Viện Khoa học Trung Quốc) đã phát triển loại bọt sinh học mới có tên là polypropylene. Loại bọt này có thể giúp việc tách dầu và nước đạt hiệu quả hơn, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm dầu.
Với bề mặt gồ ghề và cấu trúc hình ống rỗng giống như tổ ong, bọt polypropylene có khả năng hấp thụ và lọc hiệu quả hơn.
Khi hỗn hợp dầu-nước đi qua bọt polypropylene, nước tinh khiết có thể nhanh chóng thấm qua, còn dầu sẽ bị bọt hấp thụ trong vài giây.
Ảnh minh họa
Bọt polypropylene có thể được chế tạo dễ dàng, giá rẻ và thân thiện với môi trường, do đó có tiềm năng ứng dụng cao để tách dầu và nước ở quy mô lớn.
Việc tách dầu và nước là thách thức toàn cầu do tình trạng gia tăng lượng nước thải chứa dầu công nghiệp và sự cố tràn dầu thường xuyên xảy ra. Do đó, nghiên cứu về các vật liệu, công nghệ giúp việc tách dầu và nước đạt hiệu quả cao có ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng.
Một số phương pháp khắc phục ô nhiễm dầu thông thường như đốt và lọc dầu có nhiều hạn chế như tiêu tốn nhiều năng lượng, thời gian dài và có thể dẫn tới ô nhiễm thứ cấp.
Thu Trang (T/h)