Kiên Giang: Chủ động phòng chống hạn mặn, đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp

Trương Anh Sáng|16/04/2019 03:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo dự báo khí tượng, thủy văn thời hạn mùa (tháng 3 đến tháng 8/2019) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang: Nhiệt độ và nắng nóng phổ biến cao hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN); Tổng lượng mưa từ tháng 3 – 5/2019 thấp hơn TBNN và bắt đầu mùa mưa sẽ muộn hơn TBNN vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019; mực nước đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 3 – 5/2019 dao động theo triều với xu thế xuống dần, ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018; mực nước nội đồng trong tỉnh ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018 từ 0,05 – 0,15m. Xâm nhập mặn vùng cửa sông ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2018, độ mặn cao nhất xuất hiện vào cuối tháng 4 hoặc nửa đầu tháng 5/2019. Độ mặn cao nhất ở mức lớn hơn năm 2015 và ở mức xấp xỉ năm 2016, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn giai đoạn này: cấp độ 2.

– Để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản số 298 yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động phòng, chống hạn – mặn, đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu và cuộc sống của bà con.

>>>Thái Lan kêu gọi tiết kiệm nước trong lễ hội đón năm mới vì hạn hán

>>>Hạn mặn làm hàng nghìn hộ dân vùng hạ Long An “khát nước”

Với nhận định trên, tình hình nắng nóng, nguồn nước ngọt hạn chế, nguy cơ xâm nhập mặn còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2019. Để đảm bảo chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian tới, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mặn đầu vụ Hè Thu và lũ vào giữa đến cuối vụ. Tăng cường công tác điều tra xâm nhập mặn trong các đợt nắng hạn, không mưa kéo dài, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Kiên Giang đưa ra nhiều biện pháp chủ động ứng phó với tình trạng hạn mặn mùa khô 2019, đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất

Quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống trong vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng và dự án Ô Môn – Xà No theo các quy trình vận hành đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và yêu cầu từ thực tế của từng khu vực. Thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn cục bộ, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt vùng nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi diễn biến mặn tại khu vực 02 đập Hòa Điền và Kênh Nhánh, duy trì đập đến khi có mưa đều, mực nước nội đông lên dần và ở mức xấp xỉ TBNN. Chủ động chuẩn bị các phương án đắp đập kênh Tà Niên, kết hợp với việc thi công xây dựng cống Tà Niên, đang chuẩn bị triển khai trong năm 2019.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tính toán lịch thời vụ Hè Thu xen kẽ giữa 02 tỉnh và lịch luân phiên lấy nước tưới khi xuất hiện tình huống mực nước đầu nguồn quá thấp (tại Châu Đốc dưới l,lm). Xây dựng lịch thời vụ gieo sạ lúa Hè Thu hợp lý từng vùng, khuyến cáo gieo sạ sớm ở các khu vực có điều kiện nguồn nước ngọt.

Chỉ đạo các địa phương tuân thủ lịch thời vụ đã đưa ra. Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra, duy tu sửa chữa các hệ thống cấp nước; có phương án vận hành tối ưu, đảm bảo năng lực cấp nước, chất lượng nước ở các vùng nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ kéo dài tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn – mặn; lắp đặt bồn trữ tại các trạm cấp nước ở hải đảo, đồng thời bổ sung lắp đặt bồn nhựa tại các khu vực xa, thiếu nước sinh hoạt.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, yêu cầu kiểm soát mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. Theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước trên địa bàn, tăng cường tiến độ thi công các công trình nạo vét kênh tạo nguồn tưới tiêu, kết hợp nâng cấp, phát triển bờ bao, trạm bơm điện, cống điều tiết, thủy lợi nội đồng phục vụ tốt cho sản xuất.

Lưu ý các huyện: Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, chủ động chuẩn bị phương án đắp các đập thời vụ để kịp thời triển khai khi xâm nhập mặn sâu, đảm bảo cấp nước sản xuất trong thời điểm đầu vụ Hè Thu 2019. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án vận chuyển, cung cấp nước sạch cho các khu vực nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt. Có phương án hỗ trợ cho người dân tại các khu vực không thể đáp ứng được yêu cầu cấp nước sinh hoạt. Có biện pháp giải quyết nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi cho nhân dân các vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, chủ động thu nước ngọt trữ đầy các hồ chứa. Rà soát phương án đảm bảo cấp nước dự phòng khi không thu được nước ngọt. Phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, Chi cục Thủy lợi và các đơn vị có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền tải thông tin về diễn biến, dự báo hạn – mặn ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Kiểm tra, vận hành thử hệ thống giếng khoan để sẵn sàng đưa vào sử dụng khi có yêu cầu. Thực hiện tăng cường đo nồng độ mặn dọc tuyến kênh để quản lý chặt chẽ việc mở cống Tà Tây lấy nước ngọt vào hồ, tránh bị nhiễm mặn, gián đoạn việc cấp nước.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Chủ động phòng chống hạn mặn, đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp