(Moitruong.net.vn) – Hàng năm cứ bước vào vụ Đông-Xuân, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đàn gia súc của người dân ở các xã vùng Đông Trường Sơn ở huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, tỉnh Kon Tum thường bị chết do mưa rét. Theo đó, chủ động phòng chống, bảo vệ đàn gia súc trong mùa giá rét là vấn đề đặt ra và cần được quan tâm hiện nay ở các địa phương trên.
Kon Tum chủ động chống rét cho gia súc
Theo ông Trần Văn Chương- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để chủ động bảo vệ đàn gia súc, ngay từ đầu tháng 11 năm 2017, Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, gia cầm; kiểm tra, xác minh gia súc (kể cả gia cầm) chết do đói rét và dịch bệnh. Trong việc phòng chống rét cho gia súc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu Chi cục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y ở các huyện, thành phố phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chủ động phòng chống rét như che chắn chuồng trại, tích lũy và bổ sung thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét…
Bên cạnh trực tiếp chỉ đạo phòng chống rét cho gia súc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng chống rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó, ngày 21/12/2017, UBND tỉnh có Công điện số 07/CĐ-CTUBND về tăng cường công tác phòng, chống rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Qua công điện này, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chức năng thuộc phạm vi quản lý hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc như: Xây dựng, gia cố chuồng trại cho đàn gia súc đảm bảo yêu cầu che mưa, nắng, che chắn gió lùa, giữ ấm cho đàn gia súc khi rét; nền chuồng khô ráo, trong chuồng phải có máng ăn, máng uống, hố xử lý phân; thường xuyên phát quang chuồng trại, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Trong công tác phòng chống rét, tỉnh yêu cầu các huyện vận động người chăn nuôi bổ sung thức ăn xanh, thô đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn tinh để thêm chất khoáng, vitamin các loại tăng cường sức đề kháng cho gia súc. Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng, các huyện, xã thông tin kịp thời về tình hình thời tiết khí hậu để người dân biết chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc. Trong những ngày giá rét, không bắt trâu, bò làm việc nhiều và hạn chế việc chăn thả trâu, bò.
Đồng thời với việc phòng chống rét, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và lực lượng thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo tỷ lệ tiêm theo quy định; giám sát tình hình dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đến tận thôn, làng, hộ chăn nuôi.
UBND tỉnh quy định, các huyện giao trách nhiệm giám sát dịch bệnh cho chính quyền cấp xã, phân công trưởng thôn, ban thú y giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ngay các ổ dịch khi mới xảy ra; báo cáo kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y, không được giấu dịch.
Đối với những nơi người dân có thói quen chăn thả gia súc trong rừng, vào những thời điểm rét đậm, nhiệt độ xuống thấp, các cấp chính quyền, cán bộ thú y và các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại để chăm sóc và bổ sung thêm thức ăn cho gia súc.
Việc triển khai thực hiện tốt các biện pháp giữ ấm, bảo đảm cho gia súc không bị đói rét sẽ hạn chế thấp nhất gia súc bị chết trong mùa giá rét.
Theo báo Kon Tum