Kon Tum: Giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và công tác quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý trao đổi ý kiến, thảo luận sâu về mối quan hệ giữa tài nguyên nước, môi trường sống, sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu…
Sáng 30/12, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và công tác quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện biến đổi khí hậu".
Tham dự hội thảo có đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Miền trung và Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố của tỉnh.
Theo số liệu tại hội thảo, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 595 công trình thủy lợi gồm 86 hồ chứa, 07 trạm bơm điện và 502 đập dâng. Trong số các công trình thủy lợi hiện có, nhiều công trình có quy mô lớn, giữ vai trò chủ lực trong dự trữ, cung cấp nguồn nước cho những vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, lúa hoa màu các loại như: Hồ chứa Đăk Uy, Hồ chứa Cà Sâm, Đập Kon Trang Kla, Đập Bà Tri, Đập Cà Ha (huyện Đăk Hà), Hồ chứa Đăk Hơ Niêng, Hồ chứa Đăk Hơ Na, Hồ chứa Đăk Kan (Ngọc Hồi), Hồ chứa la Bang Thượng, Đăk Yên (TP Kon Tum), Hồ chứa Đăk Rơn Ga (Đăk Tô). Hiệu quả khai thác của các công trình hồ chứa nước này mang lại cho ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất to lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn.
Năm 2023, các công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới cho 22.369,02 ha cây trồng, công trình tiểu thủy nông, lòng hồ thủy điện cùng các công trình đã đảm bảo nước tưới cho 24.773,24ha, tăng khoảng 2.000ha so với năm 2020, chiếm 77,2% so với diện tích cây trồng cần tưới của tỉnh.
Hiện nay còn một số công trình hồ, đập được xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt, lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng không còn khả năng tích nước; tràn xả lũ tạm bằng đất; không có đường quản lý vận hành và ứng cứu, khi có sự cố xảy ra có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa, lũ. Các hư hỏng, xuống cấp kể trên chưa có kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu làm cho tần suất và đặc biệt là cường độ của các loại thiên tai cực đoan như lũ, hạn hán, suy thoái nguồn nước... ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường, không theo quy luật và trở thành các tác nhân chính tác động đến an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Theo đó trên địa bàn tỉnh hàng năm thường xảy ra một vài trận mưa lớn kéo dài từ 1 đến 2 ngày với lượng mưa đo được trên 200mm gây ngập lụt ở các khu vực thấp trũng, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu. Năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão và những đợt mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập lụt đã gây thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; tổng giá trị thiệt hại do ảnh hướng mưa lũ, bão gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng 127.420 triệu đồng...
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận về các nội dung quan trọng như: Sự cần thiết phải tăng cường quản lý an toàn hồ đập, hồ chức nước để ứng phó với các tác động cực đoan về lũ, hạn hán suy thoái nguồn nước trên địa bàn tỉnh; Đánh giá thực trạng về an toàn hồ chứa thủy điện; Quy định pháp luật và hiện trạng về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; Vai trò của phát triển lâm nghiệp bền vững trong việc phòng chống thiên tai và bảo vệ công trình thủy lợi; Những giải pháp nâng cao dung tích hồ chứa thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt, an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh…