Kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước

Hà Anh (T/h)|05/06/2019 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dù bạn biết bơi hay không biết bơi thì việc đuối nước vào mùa hè cũng là điều luôn luôn có thể xảy ra. Do đó, việc nắm chắc nh.ững nguyên tắc để phòng chống đuối nước là vô cùng quan trọng

Trước thực tế tình trạng đuối nước ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng, nhất là trong dịp hè thì việc nâng cao những kỹ năng phòng tránh đuối nước cho chính bản thân các em được xem là một giải pháp rất quan trọng. Và tại một số địa phương đã có những cách làm hay nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các em có thể tham gia những khóa học bơi nâng cao kỹ năng phòng tránh đuối nước. Theo mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra thì đến năm 2020, 100% các trường học có bể bơi.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ có thể bị ngạt nước ngay tại nhà do ngã vào xô, chậu nước, bồn cầu… hoặc ngã xuống ao hồ, sông ngòi khi mải chơi, chạy nhảy trên bờ…

Chỉ một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể khiến nạn nhân bị đuối nước trên cạn dẫn đến tử vong nhanh chóng

Đuối nước là một dạng của ngạt do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Ngạt nước khiến nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ dẫn tới thiếu oxy máu và tử vong.

Nhiều trường hợp bị ngạt nước được sơ cứu kịp thời nhưng không đúng cách còn để lại di chứng về sau, ảnh hưởng đến khả năng vận động, lời nói và sự phát triển của trẻ.

Chủ động phòng chống đuối nước, không chủ quan ngay cả khi biết bơi

Đối với trẻ nhỏ

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ…

2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).

4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…)

5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.

8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò,…).

9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.

Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức

Đối với trẻ lớn và người lớn

– Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.

– Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

– Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

– Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Nếu chẳng may thấy có nạn nhân bị đuối nước, chúng ta cần thực hiện các kỹ năng sơ cứu đuối nước càng nhanh càng tốt trong lúc đợi xe cấp cứu đến đưa nạn nhân vào bệnh viện để cứu sống kịp thời.

Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo, nếu đuối nước, đặc biệt ở nơi sông ngòi hồ ao, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả thở được dứt khoát phải đưa đến cơ sở y tế vì phù phổi cấp tổn thương nó sẽ xảy ra ngay sau đó khoảng vài giờ.

Nếu đến bệnh viện, chụp phổi sẽ phát hiện ra phù phổi để điều trị kịp thời. Phù phổi tiến triển rất nhanh, như “nước thủy triều dâng”, vì vậy hết sức nguy hiểm, không được chủ quan.

Hà Anh (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước