Mùa hè đến, thời tiết nóng bức khiến nhiều người muốn đi bơi để tránh nóng nhưng tự hỏi liệu nước bể bơi có sạch. Tuy nhiên có một thông tin ít người biết là trung bình, mỗi bể bơi công cộng chứa 60 lít nước tiểu, là điều kiện tốt cho vi khuẩn phát triển.
Các nhà nghiên cứu từ đại học Alberta (Canada) đã khảo sát, đo lường 31 bể bơi cả ở khách sạn lẫn trung tâm thể thao. Kết quả cho thấy trung bình mỗi bể bơi công cộng chứa 60 lít nước tiểu.
Trung bình một bể bơi có tới 60 lít nước tiểu
Các nhà nghiên cứu nhận định rất khó để giữ sạch nước bể bơi. Khảo sát cũng cho thấy 1/5 người bơi lội đi tiểu trong bể bơi ít nhất một lần. Vận động viên bơi lội Rebecca Adlington, Ryan Lochte và Michael Phelps cũng đã thừa nhận từng đi tiểu vào bể bơi.
So với toàn bộ lượng nước trong bể bơi, tỷ lệ nước tiểu là rất nhỏ, chỉ khoảng 0,0009%, tương tự một giọt dầu trong chai nước 500 ml.
Tuy nhiên, nước bể bơi chứa nước tiểu là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển, gây hại đến sức khỏe người đi bơi. Cụ thể, trong điều kiện nhiệt độ, độ PH của nước và nồng độ clo tương thích, acid uric trong nước tiểu sẽ phản ứng tạo ra sản phẩm phụ Cyanogen chloride (NCCl).
Bể bơi công cộng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta
Đây là chất dễ dàng ngưng tụ, có độc tính cao. Cyanogen chloride có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm phổi, tim và hệ thống thần kinh trung ương thông qua đường hô hấp.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác còn chỉ ra, khi nước khử trùng clo tương tác với nước tiểu, nó có thể tạo ra hợp chất nitrogen trichloride, hay còn gọi là trichloramine. Chất này khiến trẻ em bị hen suyễn, người lớn bị ngứa mắt, chảy nước mũi, mất tiếng… Việc ngâm mình trong các chất này có thể gây ra những hậu quả khôn lường như đẩy nhanh quá trình lão hóa, gây bệnh đường hô hấp và thậm chí là nguyên nhân khởi phát ung thư.
Để bảo vệ sức khỏe, sau khi bơi, bạn cần vệ sinh kỹ da, miệng, mắt. Bên cạnh đó, không nên ăn ngay lúc vừa bơi xong mà chờ khoảng một tiếng nhằm giảm nguy cơ bệnh đường ruột.
Ngọc Linh (t/h)