Ô nhiễm không khí có thể tàn phá sức khỏe của con người

Ngọc Linh (t/h)|22/05/2019 04:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chất lượng không khí ở Việt Nam ngày càng tệ đi, bụi mịn trong không khí có thể đi theo máu và gây tổn hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người.

Theo Guardian, nghiên cứu cho thấy tác hại từ đầu đến chân, từ bệnh tim và phổi đến bệnh tiểu đường và chứng mất trí, và từ các vấn đề về gan và ung thư bàng quang đến xương giòn và da bị tổn thương. Đánh giá phát hiện không khí độc hại cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thai nhi và trẻ em.

Thiệt hại toàn thân là kết quả của các chất ô nhiễm gây viêm sau đó tràn qua cơ thể và các hạt siêu mịn xâm nhập vào khắp cơ thể theo dòng máu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là vấn đề khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, với hơn 90% dân số toàn cầu hứng chịu không khí độc hại ngoài trời. Phân tích mới chỉ ra rằng 8,8 triệu người chết sớm mỗi năm – gấp đôi ước tính trước đó, làm cho ô nhiễm không khí trở thành “thủ phạm” giết người lớn hơn cả hút thuốc lá.

Nhưng tác động của các chất gây ô nhiễm khác nhau đối với nhiều căn bệnh vẫn đang được tìm kiếm.

“Ô nhiễm không khí có thể gây hại nghiêm trọng, cũng như mãn tính, có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể”, các nhà khoa học đến từ Diễn đàn của Hiệp hội Hô hấp quốc tế kết luận.

Theo các nhà khoa học, các hạt Ultrafine có thể đi qua phổi, các tế bào sẽ dễ dàng nhặt chúng và mang qua dòng máu để xâm nhập hầu hết các tế bào trong cơ thể.

Giáo sư Dean Schraufnagel tại Đại học Illinois ở Chicago và là người dẫn đầu các đánh giá cho biết: “Tôi không thấy ngạc nhiên khi hầu hết mọi cơ quan đều bị ảnh hưởng…”

Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, khói bụi từ các nhà máy, công trình, giao thông… đang khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn. Tại nhiều thành phố của nước ta, những năm gần đây, khi lượng ô tô, xe máy, các phương tiện nói chung sử dụng nhiên liệu khí đốt liên tục gia tăng đã tác động không nhỏ đến chất lượng không khí.

Từ đầu năm tới nay, chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM nhiều lần được cảnh báo vượt ngưỡng cho phép, theo khuyến cáo của WHO cho hay, chỉ số PM 2.5 nên ở dưới mức 25 μg/m3 trung bình 24 giờ, tuy nhiên tại các đô thị Việt Nam như TP.HCM hay Hà Nội nồng độ bụi PM 2.5 lại đang vượt chuẩn.

Với riêng địa bàn Hà Nội, nơi có hơn 6 triệu xe máy và khoảng 600 nghìn xe ô tô các loại thường xuyên hoạt động – là tác nhân sản sinh ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống người dân.

Nghiên cứu cho thấy bụi mịn trong không khí có thể tàn phá mọi bộ phận cơ thể càng đáng lo ngại hơn trong bối cảnh các thành phố lớn của Việt Nam bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Theo tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á công bố mới đây, Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Khi chất lượng không khí của Bắc Kinh đang ngày càng tốt hơn.

Theo như TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khoẻ môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trưởng Y tế, Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…

Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong.

Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; hen suyễn; tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh…

Tuy nhiên, TS Cường cho biết, dù sống trong môi trường ô nhiễm nhưng không phải ai cũng mắc bệnh do phụ thuộc vào hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể, chất độc hại và nồng độ vào cơ thể…

Tim và phổi

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Chest, tác động của ô nhiễm không khí bắt đầu khi hít thở. Ô nhiễm gây khó thở, gây các bệnh như hen suyễn, khí thủng phổi và ung thư phổi, đồng thời tăng nguy cơ đau tim do làm hẹp động mạch.

Một nguyên nhân cho các tác hại nói trên là bụi mịn có thể xuyên qua phổi và đi khắp cơ thể. “Chúng tiếp xúc trực tiếp với các bộ phận”, ông Schraufnagel nói với Guardian.

“Nghiên cứu trên động vật cho thấy bụi mịn có thể đi thẳng lên các dây thần kinh khứu giác vào não”.

Một lĩnh vực nghiên cứu mới cũng cho thấy ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng chức năng của gene, ông nói thêm.

Ảnh hưởng đến não bộ

Đột quỵ, mất trí nhớ và giảm trí thông minh là những chứng bệnh ảnh hưởng đến não bộ đang được cho là có liên quan tới không khí ô nhiễm. Cũng đang có bằng chứng cho thấy không khí độc hại gây khó ngủ.

Trên tạp chí y khoa BMJ Open từng đăng tải nghiên cứu cho biết mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với tình trạng gia tăng các chứng bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.

Nghiên cứu cho biết mối liên quan này rất rõ rệt ngay cả sau khi loại bỏ các yếu tố gây mất trí nhớ khác như thói quen uống rượu hay hút thuốc.

Theo nghiên cứu trên, toàn thế giới có khoảng 7% người trên 65 tuổi mắc bệnh Alzheimer hoặc các dạng suy giảm trí nhớ khác.

Ở nhóm người trên 85 tuổi, con số này tăng lên 40%. Nghiên cứu dự báo số người mắc các chứng bệnh về trí nhớ sẽ tăng gần gấp 3 vào năm 2050, là thách thức lớn cho các hệ thống chăm sóc y tế các nước.

Ngăn chặn sớm các chứng suy giảm trí nhớ do đó sẽ trở thành một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong những thập niên tới.

Suy thận

Thận cũng sẽ chịu tác hại vì vai trò của thận là loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Các nghiên cứu được khảo sát cho thấy liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nhiều bệnh ung thư, bao gồm ung thư bàng quang và ruột, cũng như hội chứng ruột kích thích.

Các nhà nghiên cứu đã xác định, trong gần 44.793 người mắc bệnh thận có tới 2.483 trường hợp suy thận có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Các phân tử xấu trong không khí xâm nhập vào máu. Thận là cơ quan lọc máu, do đó thận bị ảnh hưởng bởi các thành phần ô nhiễm.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan
  • Tăng cường cải thiện chất lượng môi trường không khí
    Moitruong.net.vn – Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố tập trung triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ô nhiễm không khí có thể tàn phá sức khỏe của con người
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.