Trên 700 xã vào cuộc
Tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2019 được tổ chứcmới đây tại Hà Nội Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, giai đoạn 2010 -2015 trung bình mỗi năm có trên 3.000 thanh thiếu nhi tử vong do đuối nước, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 2.200 em.
Con số này được giảm xuống là 1.995 em trong năm 2017 và 782 em của 42/63 tỉnh/thành trong 6 tháng đầu năm 2018. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do trẻ chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy…
Trong 2 năm 2017 và 2018, ngành VHTTDL đã phối hợp tổ chức được hơn 60.000 buổi phổ biến, tuyên truyền, phối hợp tổ chức gần 2.000 lớp tập huấn cho gần 50.000 hướng dẫn viên dạy bơi và nhân viên cứu hộ đuối nước của các xã, phường, trường học, các đơn vị tổ chức hoạt động bơi lặn, khu vui chơi giải trí dưới nước; tổ chức gần 37.000 lớp dạy bơi cho trên 3.700.000 trẻ em, trong đó số trẻ em biết bơi sau khi tham dự các lớp học bơi là 2.200.000 em; số trẻ em được học kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước là 5.200.000 em. Đến nay, mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi” đã được triển khai tại 701 xã, phường, thị trấn; mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi” đã được triển khai tại 753 trường học.
Tính đến 30/10/2018, toàn quốc có 4.689 bể bơi các loại, trong đó có 1.796 bể bơi đạt chuẩn, còn lại có 2.893 bể bơi, hồ bơi đơn giản được các địa phương cải tạo các điểm ao hồ, sông ngòi và lắp đặt mô hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em. Các loại hình bể bơi, hồ bơi đơn giản là giải pháp trước mắt khắc phục tình trạng thiếu bể bơi phục vụ nhu cầu cấp bách về việc phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Một buổi dạy bơi cho các em thiếu nhi (ảnh minh họa)
Số trẻ em bị đuối nước giảm 1/3
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, bơi không chỉ là một môn thể thao thú vị mà biết bơi, biết các kỹ năng phòng chống đuối nước là sự cần thiết để mỗi người vượt qua hiểm họa, nguy cơ đe dọa tính mạng của bản thân mình và có thể cứu mạng người khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên khi Phó Thủ tướng hỏi có bao nhiêu người trong hội trường còn chưa biết bơi.
Một năm ở Việt Nam có gần 6.000 người trong đó có gần 2.000 trẻ em, bị chết do đuối nước. Tức là cứ 100.000 người dân có 5,9 người bị chết do đuối nước. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN (5,2) và thế giới (4,3). Dù có rất nhiều biện pháp đã triển khai nhưng số người tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt đau xót là gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm.
“Chúng ta đã thực sự tích cực, nghiêm túc chưa? Có rất nhiều chỉ đạo và từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh nhưng đến nay mới chỉ có gần 1.000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt của trẻ em”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng, biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp như giữ rừng, cấm hút cát ven sông…
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành nghiêm túc chấp hành chỉ thị của Thủ tướng và gửi lời cám ơn các DN, nhà tài trợ và đông đảo nhân dân đã hiểu rõ nguy cơ, tích cực cùng nhau đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi, qua đó đưa phong trào bơi, phòng chống đuối nước có bước phát triển tốt hơn. Phó Thủ tướng mong rằng lễ phát động hôm nay thực sự tạo chuyển biến tốt để giảm thiểu số người bị đuối nước hàng năm ở Việt Nam, đầu tiên là bằng mức trung bình của ASEAN, sau đó là của thế giới.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Bộ VHTTDL mong rằng, mỗi người dân, ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, các em học sinh, thiếu niên, nhi đồng không chỉ tích cực tập luyện môn bơi và tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước mà còn là tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè của mình cùng học bơi và học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp nhân lực, vật lực đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi để toàn dân có điều kiện học bơi. Nhân dân cả nước tích cực tập luyện thể dục thể thao nói chung và tập luyện môn bơi để góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật, giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em và cộng đồng.
Vì đến một mùa hè an toàn cho con trẻ
Nói về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: “Chúng ta cần triển khai việc dạy bơi và kĩ năng an toàn đối với nước cho học sinh. Chúng tôi kêu gọi các địa phương cần phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn để giữ gìn tính mạng của trẻ em.
Có nhiều hơn nữa điểm dạy bơi, các kĩ năng an toàn cho trẻ em trong nhà trường và cộng đồng.Từ sự việc đau lòng xảy ra gần đây tại Hòa Bình, Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đã đề nghị UBND TP Hòa Bình cũng như các địa phương khác cần rà soát vùng nước, vùng ao hồ nguy hiểm để cắm biển cảnh báo. Kể cả những nơi có đông trẻ em thường xuyên qua lại vui chơi cũng cần cắt cử người giám sát để những bài học đau xót này không xảy ra”.
Nói về nguyên nhân và những giải pháp phòng chống đuối nước, bảo đảm an toàn cho trẻ em, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho biết, đuối nước có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân đầu tiên là môi trường không an toàn.
Có nhiều cha mẹ rất chủ quan, rất vô ý, vô trách nhiệm đối với con, để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc trẻ em không biết bơi cũng là một nguyên nhân. Trong khi ở New Zeland, Austraulia, các em bé biết bơi trước khi biết đi còn ở Việt Nam đang cố gắng phấn đấu dạy bơi cho trẻ em từ 6 tuổi. Ngoài ra, còn có vấn đề về chưa chấp hành luật pháp khi đi đò, thuyền.
“Bơi cứu hộ và bơi cứu đuối là giải pháp rất quan trọng được chúng tôi đặt ra. Tôi có 6 năm làm Giám đốc Chương trình Quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp với cộng đồng.
Ví dụ, toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, trước đây triển khai ở tỉnh điểm dạy bơi cho trẻ em, chỉ cần lưới và 4 cây tre căng ở 4 góc vuông ở sông. Lưới được thả sâu xuống đáy sông để làm bể bơi dạy cho trẻ lớn, cuộn lưới lại cho nông hơn để dạy cho trẻ nhỏ. Bể bơi lưới có thể cuộn mang sang khúc sông khác dạy cho học sinh ở trường khác. Với cách làm này đã rất nhiều trẻ em biết bơi”, ông An chia sẻ.
Ông An cũng nhấn mạnh: “Học bơi, dạy bơi là những kỹ năng, nhưng chúng ta phải áp dụng được những kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Mọi người đừng nghĩ học bơi được 25m thì mới là biết bơi. Điều quan trọng, chúng ta phải học bơi tự cứu với các phương pháp bơi rất đơn giản. Làm thế nào để em bé có thể tồn tại dưới môi trường nước để người lớn đến cứu, đó là điều chúng tôi mong muốn…”
Huyền Anh (T/h)