Ngày 31-5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì thực nghiệm hiện trường vụ án hủy hoại hơn 10ha rừng thông ba lá (khoảng 3.500 cây thông 20 năm tuổi) tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Toàn bộ rừng thông bị phá thuộc quản lý của Công ty giấy Tân Mai. Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng được phát hiện đầu tháng 5-2019.
Những khu rừng bị hạ độc bằng cách dùng khoan điện khoan sâu vào thân cây, sau đó đổ thuộc diệt cỏ khiến cây thông bị chết sau khoảng 20 ngày.
Ảnh minh họa
Các nghi phạm gồm Ngô Văn Diệm (tự Tuấn “chó”, 35 tuổi, quê Ninh Bình; tạm trú huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), Nguyễn Văn Lợi (Lợi “hấp”, 23 tuổi, ngụ huyện Lâm Hà) và Dương Văn Hồng (52 tuổi, ngụ huyện Lâm Hà).
Theo cơ quan điều tra, Diệm là nghi phạm “ở tầng thứ 2”, tức được một khác là chủ mưu thuê phá rừng, có giao tiền, thỏa thuận ăn chia. Sau khi được thỏa thuận, Diệm đứng ra thuê lại Hồng, Lợi và một số người khác (hiện đang bỏ trốn) phá rừng.
Công an tỉnh Lâm Đồng xác định Bạch Đình Kế (37 tuổi, ngụ huyện Lâm Hà) là chủ mưu trong vụ án. Kế hiện đã bỏ trốn.
Tại hiện trường, các nghi phạm đã thực hiện lại các bước hủy hoại, đầu độc rừng thông: dùng khoan máy có gắn mũi dài khoảng 20cm khoan sâu vào thân cây thông, mũi khoan vừa rút ra thì thuốc diệt cỏ được đổ vào lỗ khoan.
Toàn bộ động tác diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng hơn 1 phút, do hai người phối hợp thực hiện.
Ngày 8-5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-5.
Theo Phòng thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, ken cây – đầu độc thông rừng bị xếp vào hành vi phá rừng và khung hình phạt rộng, tùy theo mức độ vi phạm và loại rừng bị phá như rừng sản xuất, rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng.
Người vi phạm có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 50 triệu đồng tùy diện tích, lượng cây bị phá. Người vi phạm nếu có hành vi phá rừng vượt ngưỡng 5.000m2 đối với rừng sản xuất, 3.000m2 với rừng phòng hộ, 1.000m2 rừng đặc dụng thì bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Theo đại tá Đinh Xuân Huy – phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, rừng bị phá là rừng trồng, Đối với các vi phạm liên quan đến rừng trồng thì người vi phạm bị xử lý về tội hủy hoại tài sản, không truy tố về tội phá rừng.
Ly Ly (T/h)