(Moitruong.net.vn) – Sạt lở bờ sông, bờ biển đang là mối nguy lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Sạt lở không chỉ làm mất đi những tấc đất tấc vàng quý giá mà kéo theo sinh kế của hàng triệu cư dân đồng bằng sông Cửu Long sụp đổ theo dòng nước.
Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức báo động
Đồng bằng sông Cửu Long mất 300 ha đất mỗi năm
Con số này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố tại hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long diễn ra cuối tháng 9 vừa qua tại Cần Thơ.
Ngoài ra các con số khác cũng khá giật mình. Đó là hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786 km. Trong đó có 40 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng, tổng chiều dài 131km.
Trong 3 nhóm nguyên nhân mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liệt kê ra, xây dựng hồ chứa và khai thác cát trên lưu vực sông Mê Công được kể đến hàng đầu. Việc sạt lở ở đồng bằng Cửu Long đang ở mức báo động là bởi việc xây dựng hồ chứa và khai thác cát cũng đang ở mức báo động về ngưỡng an toàn cho toàn lưu vực sông Mê Công.
Trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Lào và Campuchia đã, đang và dự kiến xây dựng 19 hồ chứa. Trong đó, đã hoàn thành xây dựng 6 hồ chứa (Trung Quốc); đang xây dựng 04 hồ chứa (02 tại Trung Quốc và 02 thuộc Lào), chuẩn bị xây dựng 01 hồ chứa (Pắc-Beng, thuộc Lào). Trên các dòng nhánh sông Mê Kông đã thực hiện và có kế hoạch xây dựng tổng số 142 hồ chứa, trong đó Thái Lai đã hoàn thành 100%, Việt Nam đã hoàn thành 96%.
Kết quả phân tích ảnh hưởng của việc xây dựng các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông cho thấy, việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn đã, đang và sẽ làm gia tăng các biến động bùn cát (với tốc độ khoảng 5%/ năm từ năm 2012 trở lại đây) trên các tuyến sông và vùng ven biển, là những nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định lòng, bờ sông và xâm thực bờ biển.
Về khai thác cát, trong những năm gần đây, hoạt động này diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các quốc gia trên lưu vực sông Mê Công, đặc biệt ở hạ lưu vực với lượng khai thác tương đương với lượng bùn cát tự nhiên. Việc khai thác cát quá mức đã làm lòng sông bị hạ thấp, dẫn đến cao độ mực nước về mùa kiệt trên các tuyến sông bị giảm; thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy tại các phân lưu, hợp lưu ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ven biển.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu, thiên tai, sụt lún… là các nguyên nhân cộng hưởng gây nên tình trạng sạt lở trên toàn vùng như hiện nay.
4 định hướng
Thực tế, dù đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho việc chống sạt lở song đây vẫn là thách thức hiện hữu ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 4 định hướng chống sạt lở kỳ vọng sẽ sớm giải quyết một cách căn cơ thách thức này.
Theo đó, cần giải quyết hiệu quả vấn đề mất cân bằng bùn cát trên sông, kênh rạch và vùng ven biển, lún sụt đất; Tăng cường công tác quản lý bờ sông, kênh, rạch, bờ biển giảm tác động gây xói lở theo hướng quản lý tổng hợp, dành không gian thoát lũ, làm đường giao thông, đắp đê (dự kiến); Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch; xói lở bờ biển, lún sụt đất, trồng và phục hồi rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; Quan trắc, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, kênh, rạch, xói lở bờ biển; lún, sụt đất; thủy hải, văn.
Theo định hướng này, hàng loạt các giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế với các nước thượng nguồn Mê Công; quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng cát; quy hoạch bố trí dân cư; các biện pháp thủy lợi; trồng rừng ngập mặn, tăng cường nghiên cứu khoa học cần được thực hiện một cách đồng bộ.
Theo Monre