Biến đổi khí hậu

Xây dựng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho mùa mưa bão năm 2025

Nguyễn Dương 11:54 01/07/2025

Trong bối cảnh mùa mưa bão 2025 đang diễn ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo rà soát toàn diện công tác phục hồi, nhận diện những tồn tại trong ứng phó và đề ra các giải pháp thực tiễn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức Hội thảo tổng kết công tác khắc phục hậu thiên tai của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và lập kế hoạch cho mùa mưa bão năm 2025.

Trong bối cảnh mùa mưa bão 2025 đang diễn ra, Hội thảo lần này đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm rà soát toàn diện công tác phục hồi, nhận diện những tồn tại trong ứng phó và đề ra các giải pháp thực tiễn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

capture(8).png
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu tại sự kiện

Nội dung trọng tâm của Hội thảo gồm đánh giá hiệu quả của các hoạt động khắc phục hậu quả sau thiên tai, trong đó có triển khai hỗ trợ tiền mặt, phục hồi sinh kế và tái thiết cơ sở hạ tầng; thảo luận về việc rà soát và hoàn thiện Nghị định số 50 về tiếp nhận và sử dụng viện trợ quốc tế trong bối cảnh thiên tai nhằm đảm bảo việc cứu trợ khẩn cấp được triển khai kịp thời, minh bạch và đúng đối tượng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình hỗ trợ tiền mặt mà các tổ chức quốc tế đã triển khai trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, bão Yagi, cơn bão số 3 năm 2024, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên diện rộng ở miền Bắc Việt Nam. Với cấp gió giật kỷ lục, mưa lớn kéo dài và lũ lụt lịch sử, đây được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hàng loạt hoạt động ứng phó khẩn cấp, cứu trợ nhân đạo và tái thiết hạ tầng đã được triển khai trên cả nước với sự vào cuộc của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng quốc tế.

Bão Yagi đổ bộ vào vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió cấp 13–14, giật cấp 16–17, duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và lưu bão kéo dài trên đất liền – một hiện tượng hiếm gặp. Đây được xem là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền Việt Nam.

Hậu bão, các tỉnh Bắc Bộ hứng chịu mưa lớn lịch sử: 83/84 trạm khí tượng ghi nhận lượng mưa cao gấp 4–6 lần trung bình nhiều năm chỉ trong 10 ngày đầu tháng 9. Tại Yên Bái, mực nước sông Thao lên tới 35,73m, vượt mức lũ lịch sử năm 1968 đến 1,31m. Nhiều khu vực tại Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nội, Phú Thọ bị ngập lụt nghiêm trọng. Sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), chia cắt nhiều tuyến giao thông huyết mạch.

Bão Yagi và hậu quả sau đó đã khiến 345 người chết và mất tích, trong đó có 67 người thiệt mạng do lũ quét ở Lào Cai và 31 người chết vì sạt lở tại Cao Bằng.

Hơn 262.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 175.775 nhà bị ngập. Thiên tai cũng khiến 231.000 ha lúa, 49.600 ha hoa màu và hàng triệu con gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Gần 13,4 triệu m³ đất đá vùi lấp các tuyến đường; hơn 800 điểm đê điều và hàng ngàn công trình thủy lợi hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại vật chất ước tính lên tới 84.544 tỷ đồng.

Ngay sau bão, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Nhà nước đã trích 5.510 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng và xuất cấp 1.052 tấn gạo từ dự trữ quốc gia để cứu trợ người dân.

Ban Vận động cứu trợ Trung ương kêu gọi và phân bổ hơn 2.000 tỷ đồng đến các địa phương bị ảnh hưởng. Hơn 25 triệu USD viện trợ quốc tế cũng được tiếp nhận, trong đó 16,7 triệu USD chuyển qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường để triển khai hỗ trợ sản xuất, tái thiết và cứu trợ khẩn cấp. Ngoài ra, 222 tấn hàng cứu trợ trị giá 2,3 triệu USD đã được phân phối kịp thời.

Tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, chính quyền đã triển khai hỗ trợ cho hàng nghìn hộ dân mất nhà cửa. Yên Bái hỗ trợ khẩn cấp cho 866 hộ với gần 30 tỷ đồng. Quảng Ninh ban hành chính sách hỗ trợ từ 50–100 triệu đồng/hộ bị thiệt hại nặng. Lào Cai lập 4 dự án bố trí dân cư tập trung cho 299 hộ vùng nguy cơ sạt lở.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn khôi phục sản xuất, điều động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông tới từng hộ dân. Gần 250 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân được chuyển về để hỗ trợ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp. Hơn 1.000 tấn hạt giống và 90.000 lít hóa chất đã được cấp phát cho các địa phương.

Bão làm sập, hỏng hàng nghìn tuyến đường. 820 điểm trên các tuyến quốc lộ bị ách tắc, tổng khối lượng đất đá phải di dời hơn 13 triệu m³. Đến ngày 22/9, hầu hết tuyến giao thông đã được thông suốt. Cầu tạm Phong Châu được hoàn thành ngày 30/9, trong khi cầu mới dự kiến hoàn thiện cuối tháng 10/2025.

Tuyến đường sắt phía Bắc bị gián đoạn nhưng đã khôi phục vận hành vào ngày 15/9. Các sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân tạm dừng khai thác trong ngày 7/9 và mở lại ngay sau đó.

Bão gây ra hơn 6,1 triệu vụ mất điện, trong đó có 432 khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Đến ngày 25/9, điện đã được cấp lại gần như toàn bộ. 8.290 tuyến cáp quang, 210 cột viễn thông và hơn 9.000 trạm BTS bị ảnh hưởng nhưng đều được khắc phục trước ngày 21/9. Gần 3.800 điểm trường bị hư hại cũng được phục hồi để kịp thời phục vụ năm học mới.

Ngành y tế đã cứu chữa hơn 2.000 người bị thương, khắc phục 852 cơ sở y tế. Bộ Y tế cấp phát 27,5 tấn hóa chất khử khuẩn và 3 triệu viên Aquatabs xử lý nước sạch, ngăn chặn dịch bệnh sau lũ.

Bão Yagi đã để lại hậu quả nặng nề chưa từng có trong hàng chục năm qua. Song, sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nước và sự hỗ trợ kịp thời từ quốc tế đã giúp Việt Nam từng bước vượt qua thảm họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, bài học từ cơn bão Yagi tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, đầu tư cho hạ tầng chống chịu và củng cố mạng lưới ứng phó khẩn cấp trên toàn quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xây dựng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho mùa mưa bão năm 2025
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.