Làm thế nào để tránh khô da tay do rửa dung dịch sát khuẩn quá nhiều?

Mai An|29/03/2020 13:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bàn tay tiếp xúc thường xuyên với nước, xà phòng, cồn, các chất tẩy rửa… có thể làm khô da, ngứa, nứt nẻ, chảy máu, thậm chí nhiễm trùng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan, để phòng bệnh, người dân được khuyên rửa tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Tuy nhiên, việc bàn tay tiếp xúc thường xuyên với xà phòng và cồn hay các chất tẩy rửa khác có thể làm khô da, gây ngứa, nứt nẻ, chảy máu và thậm chí nhiễm trùng bàn tay. Đặc biệt, tình trạng này sẽ nặng nề hơn ở những người thuộc nhóm da khô, có sẵn bệnh viêm da cơ địa hay chàm bàn tay.

Cách chăm sóc da sau khi dùng nước rửa tay

Việc dùng nước rửa tay để góp phần ngăn chặn dịch bệnh là thiết yếu hiện nay. Tuy nhiên, ngoài bảo vệ sức khỏe, bạn cũng nên bảo vệ làn da đôi tay của mình.

Da ở mỗi khu vực trên tay có đặc điểm khác nhau. Da ở lòng bàn tay dày hơn so với mu bàn tay. Khi da ở xung quanh ngón tay hoặc lòng bàn tay bị bong tróc, ngứa, kích ứng thì sẽ rất lâu lành.

Chúng ta sử dụng tay suốt cả ngày cho nhiều hoạt động như cầm nắm đồ vật, tắm giặt, chế biến thức ăn… Việc tiếp xúc thường xuyên với nhiều tác nhân dễ gây kích ứng từ môi trường ngăn cản quá trình phục hồi những thương tổn của da tay.

Chăm sóc da đúng cách sẽ hạn chế được tình trạng khô ráp, nứt nẻ

Không nên lạm dụng vệ sinh tay bằng nước rửa tay nếu tay của bạn không thật sự bẩn. Bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của găng tay. Những loại găng tay bằng chất liệu cotton mỏng, thấm hút mồ hôi tốt là lựa chọn lý tưởng.

Để bảo vệ da tay trong hoàn cảnh cần rửa tay thường xuyên, hãy sử dụng kem dưỡng ẩm dành cho da tay chứa các thành phần như glycerin, vaseline, bơ hạt mỡ (shea butter) kết hợp dimethicone hoặc một số loại silicone khác nhằm hỗ trợ dưỡng ẩm, cũng như tạo điều kiện cho quá trình phục hồi của da diễn ra nhanh hơn.

Mặt khác, bạn cũng có thể tham khảo những sản phẩm kem dưỡng da tay được sản xuất riêng cho bệnh nhân Eczema (bệnh chàm).

Làn da của người bệnh Eczema rất mỏng manh, yếu ớt. Do vậy, các loại kem dưỡng dành cho nhóm đối tượng này được điều chế chế kỹ lưỡng trong phòng thí nghiệm, loại bỏ những thành phần dễ gây kích ứng, đồng thời phải trải qua quá trình kiểm nghiệm gắt gao từ các chuyên gia y tế về da liễu.

Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng nước nóng để rửa mặt, rửa tay hay tắm vì nước nóng khiến độ ẩm trên da mặt, da cơ thể bị lấy đi nhanh chóng, khiến da khô và tăng tốc độ lão hóa.

Những lưu ý khi dùng nước rửa tay khô

Tuy có chứa cồn, nước rửa tay khô không thể tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ có thể giảm bớt số lượng vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, thành phần cồn trong nước rửa tay cần đạt nồng độ đủ cao, khoảng 60-70% để mang lại tác dụng sát khuẩn. Song cồn nồng độ cao rất dễ khiến da tay bị kích ứng.

Sử dụng nước rửa tay thường xuyên sẽ làm lớp dầu tự nhiên trên da bị lấy đi, từ đó làm giảm khả năng bảo vệ của da trước các tác nhân gây hại từ môi trường. Mặt khác, hàng rào bảo vệ da bị suy yếu do dùng nước rửa tay quá nhiều khiến da dễ bị khô ráp, ngứa, bong tróc và nổi mẩn đỏ khó chịu.

Người dân cần chú ý, không dùng nước rửa tay khô khi da có vết thương hở. Tránh tiếp xúc ngay với các dụng cụ phát lửa sau khi dùng nước rửa tay khô, vì thành phần là cồn nên nguy cơ bắt lửa gây bỏng da là hoàn toàn có thể xảy ra.

>>>Xem thêm:Phòng dịch Covid-19: Tầm quan trọng của rửa tay đúng cách với xà phòng

Trong thời điểm dịch bệnh, nước rửa tay được nhiều người tiêu dùng săn đón dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan. Các sản phẩm này không những không mang lại hiệu quả diệt khuẩn, phòng bệnh, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây kích ứng da, khô da và lão hóa sớm.

Mai An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào để tránh khô da tay do rửa dung dịch sát khuẩn quá nhiều?