Moitruong.net.vn – Thằng Tí, thằng Tèo đâu rồi ?. “Bà cố” bắt tụi bây, bữa nay là hăm tám tết rồi mà tụi bây chưa lấy bộ lư đồng xuống chùi để nó đen thui đen thùi như cứt chuột.

Những tiết mục múa lân cứ lần lượt trôi qua trong tiếng trống, tiếng phèng la, tiếng chập chõa rền vang

Thằng Tí, thằng Tèo đâu rồi?. “Bà cố” bắt tụi bây, bữa nay là hăm tám tết rồi mà tụi bây chưa lấy bộ lư đồng xuống chùi để nó đen thui đen thùi như cứt chuột, hổng tiếp tao tát mương để kiếm mớ cá rô phi, cá lóc “rộng” sẳn để lai rai mấy ngày tết. Tuij bây “dìa” đây. Hứ…hứ….Tiếng ông Ba “Chà Và” tru tréo.

Nghe tiếng la ỏm tỏi của ông nội, cả hai thằng mặt xanh như tàu lá đang hả hê“ trang điểm” cho cái đầu lân bằng giấy cạc tông và cái đầu ông địa ở mé sông hoảng hồn, hoảng vía chạy ù ù vô nhà.

-Dạ. Nội kêu hai đứa con chi nội? Tí nói lắp bắp.

-Còn hỏi nữa hả. Bây biết bữa nay là ngày mấy rồi chưa? Mở mắt ra là lân với pháo. Bộ cái “ huông” múa lân té lọi bánh chè của tao hòi nhỏ tụi bây chưa ớn chè đậu phải hôn? Chừng nào té Lọi bảng họng tụi bây mới chừa phải hôn? Ông Ba giận dỗi.

-Dạ. Dạ tại…..tại….Thằng Tèo ú ớ rồi nín thinh.

La cho có chớ ông biết tụi nhỏ mê cái trò múa lân khó lòng cấm cản được lắm. Hồi nhỏ lúc mười bốn tuổi ông cũng đã từng mê cái thú vui kỳ lạ nầy. Mê đến mất ăn, mất ngủ. Ở nhà hay đi học tại cái trường làng cạnh mé sông, lúc nào ông cũng múa may hò hét với cái điệu bộ của con lân khiến thầy cô cười lộn ruột. Tụi con nít xóm nầy đặt cho ông cái tên cúng cơm “ thằng Ba lân Chà và”. Hồi đầu ông cũng bực bội về cái tên lãng xẹt nầy lắm nhưng kêu riết cũng quen. Có khi ông lại tự hào về cái tên hổng đụng hàng nầy bởi nó gắn chặt với niềm đam mê của ông. Còn cái “ biệt danh” Chà và là bởi gia đình ông là người dân tộc Khơ me. Mà ngộ nghe. Thà kêu ông là thằng Ba Khơ Me ông nghe dễ chịu hơn cái từ “ Chà Và” sao nghe coi thường, khinh khi nguồn gốc ông qúa đỗi.

Hồi đó, đoàn lân “ bồ tèo” của ông Hai Khóm xóm nầy rất nổi tiếng bởi nhiều pha múa rất đẹp, hấp dẫn, nguy hiểm nữa là đàng khác. Cả đoàn chỉ có mười người gồm bốn người đóng vai lân, hai người vai ông địa, một người đánh trống, người đánh phèng la, cuối cùng là người đánh chập chõa và ông Hai Khóm

Chiếu mừng một tết năm đó, Ba “ Chà Và” lò mò tới tìm ông Hai Khóm nài nỉ:

-Ông Hai cho con đi theo đoàn lân với nghe. Con hứa hổng lấy tiền bạc gì hết đâu. Tại con khoái món nầy nên xung phong vậy thôi.

-Bây biết cái nghề nầy nguy hiểm lắm hôn? Lỡ trật vuột một cái là tiêu tán đường đó nhe con. Thôi bây dìa đi. Tao hổng nhận lời đâu.

-Ông Hai. Cho con vô đoàn lân đi. Con làm được mà . Ba “ Chà và” khcs tức tưởi, mếu máo trông thật tội nghiệp.

-Thôi được. Chiều nay mầy tới nhà tao, tao chỉ sơ sơ. Mà nè. Mới vô đoàn chỉ làn cái vụ “giũ” đuôi lân thôi nghe mậy. Chừng nào giỏi nghề tính tiếp.

Chỉ được làm cái chuyện chạy “lúp xúp” giũ đuổi lân thôi mà đêm đó”, Chà Và” mừng rơn hổng tài nào ngủ được. Vậy là ông đã toại nguyện lắm rồi.

Nhờ gan dạ, thông minh, chỉ sau mấy tháng ông đã trở thành” kép chánh” của đoàn ta hồ biểu diễn khắp nơi. Ngoài mấy ngày tết, đoàn lân Hai Khóm làm ăn tứ xứ. Đám cưới, cúng đình, cúng miễu, khai trương… ở đâu đoàn cũng có mặt. Vậy mà tai nạn đã đến.

Tết năm đó, đoàn lân Hai Khóm tới biểu diễn nhà ông “chệt” đầu phố. Ai chớ ông nầy giàu nứt đố, đổ vách nên đoàn lân chuẩn bị chu đáo lắm. Riêng Ba“ Chà Và” lại càng hứng chí hơn bởi được phô trương tài nghệ của mình với cô Út Hương – con gái út của ông Chệt, cái con nhỏ gì đâu mà đẹp mê hồn, trắng phau như bông bưởi. Ông bị nó “hớp hồn” bởi cái lần đi mua dầu về bơm vô cái đèn “ măng xông” chuẩn bị ngày tết. Dò la mãi ông mới biết” người đẹp” kia trạc tuổi với ông – mười sáu tuổi và được gia đình cho đi học trên tỉnh và chỉ về nhà mỗi năm hai lần: hè và tết.

Những tiết mục cứ lần lượt trôi qua trong tiếng trống, tiếng phèng la, tiếng chập chõa rền vang. Lạ. Út Hương biến đâu mất vậy ta? Ba “Chà và” bắt đầu sốt ruột. Từ xa ông Hai Khóm đã phát hiện ra chuyện bất thường. Cái thằng nầy bữa nay nó làm sao vậy cà. Múa may lượm thượm, điệu bộ không gon gàng. Hay nó bị bệnh gì đây. Con lân đã trèo lên trước sân thượng lầu một bằng chiếc cột tre để “ăn” gói tiền được ông Chệt treo lủng lẳng trước mé hiên. Bất chợt Ba “Chà Và” rụng rời tay chân khi nhìn thấy Út Hương ngồi phía trong nhà nở nụ cười khích lệ. Trời đất. Mình có mơ hôn vậy ta. Út Hương đã cười với mình. Và con lân kia cố chồm người vào sát sân thượng để nhìn cho tạng mặt giai nhân quên cả việc “ăn” cuộn tiền thưởng đầu năm. Và tại họa đã đến.

Tỉnh dậy, Ba “Chà và” thấy mình nằm trong nhà thương ở quận với cái cái đầu và chân băng trắng toát. Hỏi ra mới biết ông đã rơi xuống từ cái sân thượng định mệnh ấy.Vậy mà khi ông Hai Khóm cùng mọi người hỏi han, ông đều khăng khăng trả lời:

-Đang mua ngon trớn, tự nhiên tui chóng mặt quá trớn, tuột xuống hổng kịp. Chắc bị lên “tăng xông” may mà mới lọi bánh chè và trầy xước mặt mày. Thiệt xui xẻo hết sức. Chuyến nầy chắc tui “ giải nghệ” luôn chớ giò cẳng như vầy mần ăn cái nỗi gì nữa.

Nghe nói vậy ai cũng tin là ông bị bệnh đột xuất chớ còn nguyên nhân chính chỉ có hai người trong cuộc mới biết đó là ông và Út Hương.

Chiều hôm đó, ông nhận được một giỏ trái cây kèm theo một lá thơ tay viết bằng mực tím đính kèm “…thấy ghét. Múa không lo lại dòm lom lom người ta. Mắc cở muốn chết. Chúc mau lành “bịnh” năm sau nhớ tới múa lân ở nhà tui nữa nghe. Tui gởi giỏ trái cây đó. Út Hương…”.

Đọc thơ xong, Ba “ Chà và” sướng tê mình, tê mẩy. Ồ hóa ra mình bị té cũng đáng quá đi chớ. Nếu không mình đâu có lọt vô đôi mắt xanh của “ người đẹp”; đâu nhận được lá thư tình ướt át; đâu được tặng giỏ trái cây bự  “ế bà cum”. Bất chợt ông nhìn xuống cái chân đang băng và cười khà khà. Nụ cười thật hạnh phúc, sung sướng biết bao.

Vậy là Ba “ Chà Và” tập luyện trở lại với đội lân Hai Khóm trong sự háo hức chờ đợi ngày tết để được múa lân tại nhà ông “chệt”; được bắt gặp ánh mắt và nụ cười động viên của Út Hương như lời hẹn ước trong thơ. Vậy mà…mọi chuyện không như ông nghĩ. Út Hương chuẩn bị có chồng ở Sài Gòn nghe nói gia đình giàu có ghê lắm. Năm nay cô không về vì phải sang bên chồng sắp cưới để chuẩn bị ngày tết. Đất trời nghiêng ngã. Bà “ Chà và” xin ông Hai Khóm cho nghĩ múa vì thấy trong mình không khỏe. Nhớ lại cái “ huông” năm trước, ông Hai chịu liền. Đêm đó ông Ba “Chà Và“ khóc” sướt mướt và giải nghệ luôn từ đó.

Mấy mươi năm rồi nhưng câu chuyện buồn cứ mãi đeo đẳng bên ông. Bởi vậy khi thấy hai thằng cháu nội bày biện chuyện làm lân, làm ông địa để đi múa chơi ở nhà bà con lối xóm khi tết về thì ông vừa giận, vừa thương. Thương là xấp nhỏ có sở thích mê múa lân y chang như ông hồi trai trẻ. Gì chớ cái vụ “ ghiền” múa lân thì ông rành tỏng tong tong. Giận vì chúng nó gợi lại nỗi đau về mọt cuộc tình thầm lặng mà chỉ có ông với người con gái kiêu sa kia mới biết. Mà suy cho cùng mấy đứa nhỏ có tội tình gì đâu. Nó có biết gì về nỗi đau khi ông nội chúng bắt gặp những con lân, ông địa đang múa may trước mắt. Mình ích kỷ quá. Hoài cổ quá đáng rồi. Ông tự nói với mình.

-Nè. Tụi con làm lân với ông địa tới đâu rồi. Lát nữa ba ông cháu mình cùng làn nghe. Vụ nầy tao rành lắm. Vụ chùi lư, cá mắm tính sau. Ông nói rất vui.

Tội nghiệp thằng Tý, thằng Tèo cứ há hốc miệng và gương đôi mắt thiệt to nhìn ông nội chúng. Chuyện lạ vậy ta. Sao ông không còn la mắng chúng như trước lại còn xúm vô làm lân, làm địa nữa chớ.

Tết đang về.

Phan Thị Anh Thư  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lân” ở quê