Lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà lên tiếng về việc bị đổ dầu xuống đầu nguồn nước?

15/10/2019 08:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Dù đã phát hiện bể chứa có váng dầu thải nhưng Nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco) vẫn thản nhiên cấp nước cho dân. Phải đến khi báo chí phản ánh, ngày 14/10, Viwasupco mới gửi văn bản lên Sở Xây dựng Hà Nội.

Đại diện Công ty nước sạch Sông Đà nói gì về việc đầu nguồn nước nhiễm dầu?

Liên quan đến việc người dân ở Hà Nội những ngày gần đây không dám dùng nước sạch Sông Đà vì có mùi hóa chất khó chịu, ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Tốn -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9-11/10.

Trong văn bản Viwasupco cho biết vào 12h ngày 9/10, thời tiết tại khu vực tỉnh Hòa Bình có mưa, nhân viên thuộc đội phục vụ công tác bảo vệ và vớt rong rêu đã phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Phát hiện sự việc trên, lực lượng bảo vệ đã báo cáo lên Phòng Trung tâm và lãnh đạo công ty cho hướng xử lý.

Sáng sớm ngày 9/10, một số người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, quanh khu vực suối Khại đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu. Người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà.

Người dân tại đây cho biết thêm, từ ngày 9/10, Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã thuê khoảng 30 người dân để vớt dầu loang trên bề mặt nước. “Dầu này rất lạ, có mùi khét và không thể giặt sạch. Mỗi lần vớt xong là chúng tôi phải vứt bỏ quần áo”.

Một lượng dầu lớn đã loang ra khu vực thượng nguồn gần nhà máy xử lý nước sạch sông Đà

Ông Tốn cho biết bộ phận vớt rong rêu phát hiện những vết dầu loang trên hồ gần nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình) vào ngày 9/10. Sau đó, công ty đã huy động toàn bộ công nhân viên và thuê người làm vệ sinh đến vớt váng dầu.

Theo mô tả, công ty đã dùng phao chuyên dụng để cách ly không cho dầu lan vào khu vực bể ngăn lấy nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã triển khai lấy mẫu đi kiểm tra, trong khi đó UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cấp, các ngành có báo cáo và giao cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm đổ trộm dầu thải.

Sau khi có đoàn thanh tra liên ngành của Sở Xây dựng và Sở Y tế Hà Nội lên làm việc, nhà máy tiếp tục vận hành.

Phát hiện đổ trộm dầu thải Viwasupco thản nhiên cấp nước cho dân 

Điều đáng nói là sau khi có thông tin công ty phát hiện lượng dầu thải gần nhà máy xử lý nước sạch sông Đà từ hôm 9/10 nhưng không có thông báo nào cảnh báo cho người dân, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của công ty này.

“Chúng tôi thường xuyên liên hệ với các khách hàng và gửi kết quả kiểm tra chất lượng nước do công ty tự kiểm tra cho họ. Chúng tôi gửi kết quả kiểm tra qua mạng xã hội cho 1-2 khách hàng”, ông Tốn nói.

Bên cạnh đó, ông Tốn cũng cho biết công ty chưa lên tiếng trong những ngày trước đây là “sợ không khách quan”. Vị giám đốc nói công ty chưa công bố thông tin vì chờ kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành thành phố để khẳng định rằng nước có mùi lạ có phải là trách nhiệm của công ty hay không.

Trong khi đó, sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết lãnh đạo nhà máy nước sạch đã biết sự việc nhưng vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân là hành động thiếu trách nhiệm.

“Đó là hành động thiếu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh và cho biết nước sông Đà hiện là nguồn cung cấp nước cho nhiều hộ dân tại phía tây Hà Nội, nên nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thậm chí, trong Công văn số 435/2019/TB-VIWASUPCO do Phó Tổng giám đốc Bùi Đăng Khoa ký ngày 11/10, gửi VIWACO cũng không hề đề cập đến thông tin nước đầu nguồn bị nhiễm dầu thải mà chỉ quanh co nói rằng hiện đang cùng các cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm. Đồng thời cũng không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào đến người dân rằng có nên dùng nước tiếp không hay thế nào?.

Qua sự việc này dư luận đã đặt ra câu hỏi, có hay không Viwasupco làm ăn kiểu “sống chết mặc bay” biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân, từ khi xảy ra vụ việc mãi tới ngày 14/10 mới có văn bản báo cáo gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9-11/10.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng thì hàng nghìn người dân phía Tây Hà Nội sẽ vẫn phải mua nước đóng chai về dùng. Và phía thượng nguồn, suối Khại vẫn âm thầm ngậm dầu ô nhiễm.

Ngọc Phương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà lên tiếng về việc bị đổ dầu xuống đầu nguồn nước?