Lắp trạm bơm nước khẩn cấp vì sông Đà khô cạn

An Nhiên|15/06/2023 13:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang phải lấy nước qua trạm bơm khẩn cấp đặt giữa lòng sông để cung cấp cho hơn một triệu dân Hà Nội.

Thông tin với báo chí, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco cho biết, đơn vị đã lắp đặt trạm bơm khẩn cấp lấy nước từ giữa lòng sông Đà để vận hành và cấp đủ nước cho sản xuất.

Các trạm bơm này được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2023 để chủ động cung cấp nguồn nước mà không phụ thuộc nhiều vào chế độ vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

song-da.jpg
Lắp trạm bơm nước khẩn cấp vì sông Đà khô cạn

Theo đó, khi nước trên sông Đà cạn kiệt và Nhà máy thủy điện Hòa Bình không có đủ nước để xả mức tối thiểu, các trạm bơm của Nhà máy nước Sông Đà sẽ phải dừng hoạt động và lượng nước dự trữ trên hồ Đầm Bài cũng sẽ cạn kiệt.

Điều này dẫn đến nguy cơ mất nước trên diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn cấp nước. Vì vậy, các trạm bơm khẩn cấp sẽ được vận hành để đảm bảo nguồn cung nước cho các khu vực.

Cùng với đó, Công ty Viwasupco bố trí nhân lực và bảo trì các thiết bị để vận hành các trạm bơm theo chế độ vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình để tích nước lên hồ Đầm Bài.

Trong điều kiện Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả xuống hạ du lưu lượng tối thiểu 214m3/s, Nhà máy nước sạch sông Đà vẫn có thể chủ động lấy nước trên sông để bơm tích trữ lên hồ Đầm Bài.

Đơn vị cũng sử dụng các thiết bị máy thi công để khơi thông dòng chảy, đảm bảo trạm bơm khẩn cấp vận hành khi Thủy điện Hòa Bình xả nước dưới mức tối thiểu.

Việc dự trữ nước trong hồ Đầm Bài được duy trì ở mức cao nhất để điều tiết lượng nước xả phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các xã Hợp Thành và Thịnh Minh (TP Hòa Bình), cũng như đảm bảo nguồn nước thô cho sản xuất của Nhà máy, đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước.

Trước đó vào năm 2020, công ty đã lắp đặt và đưa vào sử dụng trạm bơm dã chiến ở đầu kênh dẫn nước. Tuy nhiên, khi nước sông Đà xuống thấp trong thời gian qua, trạm bơm này không hoạt động được.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình có sản lượng 1.920 MW, có vai trò quan trọng năng lượng quốc gia. Năm 2023, tình hình thủy văn tuyến sông Đà rất bất lợi cho phát điện. Đến nay, năm 2023 mới phát 3,5 tỷ kWh bằng 37% kế hoạch. Vì vậy với tình hình hiện nay, đảm bảo kế hoạch sản lượng điện sẽ rất khó khăn...

Cuối tháng 5, đầu tháng 6, công ty luôn khai thác ở mức cao, gần như hết cỡ, do đó lượng nước hồ xuống rất nhanh, các hồ khu vực phía Bắc, và sông Đà đều đã sấp xỉ mực nước chết và khả năng khai thác hầu như không còn, bất đắc dĩ chạy duy trì.

Do phát liên tục nên lượng nước tại hồ chỉ còn 102 m. Mức nước này thấp hơn so với mực nước dâng thông thường 15m và chỉ còn cách mực nước chết 22 m. Trong khi đó, lượng nước về hồ là 40m3/s, mức không đáng kể mặc dù những ngày qua có mưa, song chưa được cải thiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lắp trạm bơm nước khẩn cấp vì sông Đà khô cạn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.