Việc xây dựng đê bao được xem là giải pháp cải tạo đất, đem lại hiệu quả lớn trong canh tác lúa, nhất là tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười từ một trong những cánh đồng lau sậy đã trở thành những cánh đồng trồng lúa 3 vụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng đê bao đã làm mất khả năng trữ nước, lượng nước hàng năm mất khoảng trên 16 tỉ khối nước ngọt.
Theo thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT), hiện nay vùng ĐBSCL đã xây dựng 23.687km đê bao thủy lợi. Trong đó, riêng 4 tỉnh thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An có tới 17.128km đê bao. Việc xây dựng đê bao được xem là giải pháp cải tạo đất, đem lại hiệu quả lớn trong canh tác lúa, nhất là tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười từ một những cánh đồng lau sậy đã trở thành những cánh đồng trồng lúa 3 vụ. Trong 12 năm (2000 – 2012) diện tích canh tác lúa tại 2 vùng trũng này đã tăng 7 lần (từ 53.000ha lên 403.000ha) nhiều nhất là ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Đê bao khép kín thủy lợi nội đồng trong tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang
Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng đê bao đã làm mất khả năng trữ nước, lượng nước hàng năm mất khoảng trên 16 tỉ khối nước ngọt nên ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy trong mùa kiệt, gây xâm nhập mặn ở các địa phương cuối nguồn.
Ghi nhận thực tế tại tiểu vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười khả năng trữ nước tại tiểu vùng này không đáp ứng đủ cho sản xuất tại chỗ trong mùa khô và đã hoàn toàn không còn khả năng tích trữ nước cho cả vùng ĐBSCL trong mùa kiệt.
Tháng 3/2016, vào cao điểm đại hạn lịch sử, người dân vùng Đồng Tháp Mười rất phấn khởi khi hay tin Trung Quốc xả đập thủy điện để có nước cứu lúa Hè Thu vì nước trong kênh nội đồng đã kiệt. Ông Nguyễn Văn Buông – Phó phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (đầu nguồn sông Tiền), cho hay nhờ nguồn nước thượng nguồn xả về nên 12.000 ha lúa hè thu của địa phương được giải cứu, giúp nông dân giảm chi phí bơm tưới, ao hồ có nguồn nước mới cũng đỡ ô nhiễm.
Vào thời điểm đó, ở huyện An Phú, tỉnh An Giang (đầu nguồn sông Hậu), thuộc vùng tứ giác Long Xuyên, chính quyền ráo riết huy động nạo vét cả chục tuyến kênh thủy lợi và khuyến cáo người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. “Ngành chức năng huyện cho mở các cống thủy lợi, đưa nước vào hệ thống kênh mương nội đồng cho bà con bơm lên làm đất trồng lúa và chăm sóc hơn 4.000 ha rau màu, ông Nguyễn Văn Thao – Phó chủ tịch UBND huyện An Phú nói.
Người dân đắp đê cứu lúa vụ 3 trong tiểu vùng tứ giác Long Xuyên thuộc địa phận tỉnh An Giang
Không chỉ trong cơn đại hạn lịch sử, từ nhiều năm gần đây, ở tứ giác Long Xuyên đã phải thường xuyên đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn trong mùa kiệt. Mùa khô năm 2010 – 2011, các địa phương đã phải tất bật lo đối phó với xâm nhập mặn, khô hạn bằng cách đóng cống ngăn mặn, giữ ngọt và đã nghĩ đến việc bố trí lại cây trồng vật nuôi. Năm 2011, ngay sau tết UBND tỉnh An Giang đã phải đầu tư hơn 50 tỉ đồng, triển khai 99 công trình nạo vét kênh mương, nâng cấp sửa chữa hồ chứa nước ngọt để đối phó với khô hạn chống xâm nhập mặn, phục vụ cho trên 30.000 ha lúa hai vụ của vùng tứ giác Long Xuyên.
Điểm đáng chú ý trong vùng tứ giác Long Xuyên, những thập niên trước, Đông Hồ là một hồ nước ngọt, là điểm chứa nước lũ vào mùa mưa, và do nước sông Hậu luôn ở biên độ cao nên Đông Hồ đã đẩy nước ngọt ra xa bờ đến tận xã đảo Kiên Hải (cách bờ biển Hà Tiên hơn 10 km). Nhưng hiện nay, Đông Hồ không còn nước ngọt và lợ nữa. Vào mùa kiệt, độ mặn đo được của nước Đông Hồ lên đến 26%o và đẩy sâu nước mặn vào các xã của huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn (An Giang)… Do độ mặn tăng cao, hệ sinh thái Đông Hồ biến đổi nên đã có trên 3.000 ha của thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) xung quanh Đông Hồ phải chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm và cua biển cũng như các loài cá có giá trị kinh tế khác.
Từ gần chục năm trước, mùa kiệt, nước mặn đã xâm nhập sâu vào cửa Đông Hồ (thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang) chảy vào tứ giác Long Xuyên. Và những năm gần đây, vào mùa khô toàn bộ hệ thống cống đập bờ biển Tây Nam như: Cống T4, cống T5, cống T6, Cống Luynh Huỳnh, Cống Ba Hòn… của tỉnh Kiên Giang. Dọc theo tuyến quốc lộ từ Kiên Giang – Hà Tiên còn có hệ thống gần 30 cống dường như chỉ còn có tác dụng để ngặn mặn cho vùng Tứ giác Long Xuyên.
Theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái, trước kia tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là hai vùng trũng tự nhiên, hàng năm ngập đến 3,5m, có thể hấp thu 9 đến 10 tỉ khối nước mỗi vũng. Trong 20 năm qua, không gian hấp thu lũ của 2 vùng này đã bị chiếm nhiều bởi các ô đê bao khép kín canh tác 3 vụ lúa/năm. Riêng vùng tứ giác Long Xuyên, khả năng hấp thu lũ đã giảm từ 9,2 tỉ khối/năm 2000 xuống còn 4,5 tỉ khối/năm 2011 (giảm 4,7 tỉ khối)
PV