(Moitruong.net.vn) – Theo một nhóm các nhà khoa học Mỹ, lỗ hổng tầng Ozon đang dần thu hẹp lại trông thấy nhờ những nỗ lực giảm khí CFC thải vào bầu khí quyền.
Lỗ thủng tầng ozone
Các hình ảnh vệ tinh năm 2016 cho thấy lỗ thủng tầng ozone đã bắt đầu thu hẹp và tầng ozone có thể phục hồi hoàn hoàn vào năm 2060.
Dựa vào dữ liệu đo lường của NASA và vệ tinh Aura từ năm 2004, nhà khoa học Susan Strahan và các đồng nghiệp thuộc Trung tâm Không gian Goddard của NASA tại Greenbelt, Maryland đã tìm thấy bằng chứng cho thấy lỗ hổng tầng ozone đang dần thu hẹp và tiến tới khả năng hồi phục hoàn toàn trong tương lai.
Theo trang Zmescience, tầng Ozon đã phục hồi thêm khoảng 20% so với năm 2005 nhờ những nỗ lực giảm đáng kể chất CFC trong bầu khí quyển. Trung bình, mức khí Clo đang giảm 0,8% mỗi năm. Trước đó, 2005 là năm đầu tiên tiến hành đo lượng Clo và tầng Ozon thông qua vệ tinh Aura.
Năm 2017, NASA dẫn nghiên cứu mới nhất chỉ ra, lỗ hổng đã đạt mức nhỏ nhất kể từ năm 1988 với kích thước tối đa chỉ còn 19,6 triệu km2.
“Chúng tôi biết rất rõ nguyên tử clo trong hợp chất CFC là tác nhân làm thủng tầng ozone. Hiện tượng lỗ thủng tầng ozone hiện nay đang bị thu hẹp là do hàm lượng clo trong khí quyển giảm xuống” – Susan Strahan – nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland (Mỹ) – cho biết.
Hợp chất CFC trước đây thường được sử dụng trong các bình xịt, tủ lạnh, máy điều hòa không khí. Khi các phân tử CFC bay đến tầng bình lưu, bức xạ tia cực tím Mặt trời sẽ phân tách chúng thành những nguyên tử clo. Sau đó, nguyên tử clo tham gia vào quá trình phá hủy phân tử ozone.
Tầng ozone dự kiến sẽ được phục hồi dần trở lại khi CFC bị loại bỏ khỏi bầu khí quyển, nhưng sẽ mất nhiều thập kỷ trước khi nó khôi phục hoàn toàn.
“Các phân tử CFC có tuổi thọ từ 50 đến 100 năm, vì vậy chúng tồn tại rất lâu trong bầu khí quyển. Lỗ thủng tầng ozone có thể biến mất vào năm 2060 hoặc 2080” – Anne Douglass – đồng tác giả nghiên cứu làm việc tại NASA – nhận định.
Thanh Thanh (t/h)