Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tày, Nùng Dương Sách ở tỉnh Cao Bằng cho biết: Giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời và là sự khởi đầu cho một năm mới may mắn, bình an và con người giống như màu đỏ của than hồng, màu khói mới tụ lại để xua đuổi tà ma, cầu mong sự bình an.
Vậy nên trong đời sống của người Tày, Nùng những ngày vui, ngày lễ đều gắn liền với màu đỏ. Câu chúc Tết phải có màu đỏ, bàn tiệc màu đỏ, người mang lễ vật đến tiệc phải dán giấy đỏ, ngày Tết dùng giấy đỏ để viết chữ Kính, chữ Phụng dán lên bàn thờ tổ tiên, cửa nhà. Trong quan niệm của người Tày, người Nùng thì công cụ lao động, cây ăn quả đều có tâm hồn như con người. Trong năm, chúng đã dãi nắng, dầm mưa trong tất cả các mùa giúp đỡ con người tạo ra của cải.
Vì vậy, con người dán giấy đỏ lên cửa nhà, tất cả các đồ vật trong nhà, chuồng lợn và chuồng gà để chứng nhận, biết ơn công lao đó và giấy đỏ thay lòng con người gửi lời mời đến các đồ dùng trong nhà hãy nghỉ ngơi đón Tết cùng con người sau một năm vất vả đã qua và cầu chúc cho năm mới sắp đến mùa màng sẽ bội thu”.
Các cụ trong làng kể lại rằng, trong ngày mùng Một Tết, người Tày, Nùng thường đón những người hát rong nghèo đói đến từng nhà, từng bản hát chúc mừng con trâu vào đầu Xuân, chúc mừng năm mới. Người hát rong đứng ở ngoài cửa chuồng trâu, tay cầm một tập tranh, vừa say sưa hát những bài chúc mừng tốt đẹp, vừa dán tờ tranh "Con trâu Xuân" lên phía trên cửa chuồng trâu. (Táp vài Xuân) Bài hát có đoạn như sau:
Pái nèn, pái nèn
Bươn chiêng pi mấư táp vài Xuân
Mò, vài pền thin khe
Khẩu ké pền thin rài
Pết cáy mì têm cai, têm lảng
(Dịch: Bái ngày Tết, bái ngày Tết
Tháng Giêng năm mới dán trâu Xuân
Trâu bò nhiều như đá sỏi
Thóc cũ để dành nhiều như cát
Gà vịt đầy chuồng, đầy sân
Chủ nhà phấn khởi lắng nghe hát chúc mừng. Khi bài hát kết thúc, chủ nhà vui vẻ đem biếu người hát rong một món quà tùy ý, có thể là bánh chưng, bánh khảo, cũng có thể là tiền trong phong bao lì xì giấy đỏ. Chia ngọt sẻ bùi với nhau trong những ngày no ấm, người Tày, người Nùng nhận mình rộng bụng, ai đến bản đều coi là khách quý, nhường chăn ấm đệm êm, thịt gà nấu cơm nếp tiếp đãi tử tế, chu đáo.
Ngày mùng 1 hay mùng 2 Tết Âm lịch, tùy từng địa phương, người Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn thường mời các đội múa kỳ lân hay còn gọi là múa sư tử vào nhà mình múa mong gặp nhiều may mắn và xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, biểu hiện sự thái bình và niềm tin vào một năm mới sung túc. Sư tử mèo, sư tử trâu múa từ ngoài sân, qua cửa vào trong nhà chúc Tết, trước hết con sư tử phải “liếm” (lì) hai cái cột cổng hoặc hai bên cửa để xua tà ma bằng động tác dùng tay múa, đưa đi đưa lại. Sư tử múa cúi lạy bàn thờ tổ tiên, “liếm” các góc bàn thờ, cúi rạp xuống đất và từ từ lùi ra, tránh quay lưng vào bàn thờ tổ tiên để không bị tổ tiên chủ nhà phạt vạ. Mỗi hoạt động trên phải làm ít nhất 3 lần theo hướng từ trái sang phải. Sư tử sẽ được chủ nhà lì xì, rượu và “ka hoòng” (buộc mảnh vải đỏ vào miệng sư tử). Cũng có nhà chỉ cho sư tử múa đến sân vì trong nhà đang có chuyện buồn hoặc tổ tiên họ kỵ sư tử.
Gói bằng giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng trông thật rực rỡ, đẹp mắt, người Tày, Nùng làm bánh khảo thay kẹo bánh mời khách tới thăm nhà ngày Tết. Bánh khảo còn trở thành món quà độc đáo biếu khách lên thăm bản hay gửi cho những người con xa quê. Vợ chồng mới cưới, ngày đầu năm về thăm bên ngoại thì bánh khảo là vật phẩm không thể thiếu. Và bánh khảo là món quà mà người dân bà con dâng lên bàn thờ để cúng gia tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Bánh khảo có thể để được cả tháng cũng không mốc, không ỉu. Nó như một thứ lương khô của người Tày, Nùng và trở nên gần gũi với người dân nơi đây. Với phong tục đón Tết cả tháng đầu Xuân, Tết chỉ hết khi trong nhà không còn bánh khảo.
Theo giảng viên - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tày, Nùng Nguyễn Xuân Bách: Sự hiện diện của màu đỏ cát tường nhiều nhất chính là trong hình tượng “tèo hồng”. Đó là tấm vải màu đỏ có thể dài 1m hoặc chỉ khoảng 10cm nhưng giá trị biểu tượng và niềm tin đều giống nhau. “Tèo hồng” xuất hiện nhiều trong các nghi lễ mang tính chất vui. Đặc biệt, nó còn giữ vai trò là món quà tặng ý nghĩa của khách đối với chủ. Trong các cuộc lễ gắn với sự nghiệp của các ông Tào, bà Then như lễ Lẩu Then, “tèo hồng” là món quà của dân làng và các bạn nghề vắt lên vai chủ nhà để cầu mong cho gia chủ luôn may mắn, đắc tài, sai lộc và trọn vẹn nghĩa vụ với tổ nghề. Hoặc như trong trò múa sư tử truyền thống, khi đội sư tử chủ nhà mời các đội sư tử bạn đến múa giao lưu (thường trong các dịp lễ hội lồng tồng) thì bao giờ lúc đội bạn đến, đội trưởng sư tử chủ nhà cũng đều buộc lên sừng các con sư tử đội bạn 1 miếng vải đỏ để chào mừng, cầu mong sự bình an và thể hiện sự tôn trọng đội bạn, buộc lên cổ con chó đá ở chốn thờ phụng.
Trong các gia đình người Tày luôn có thủ tục đuốc lửa trong ngày Tết của năm mới. Giữa giờ ngọ (12 giờ trưa) ngày 30 Tết, người Tày thường ra đình hoặc ra ngoài đốt một đống lửa rồi gia chủ ra ngoài xin ba Mường trời đất rước lửa vào nhà với mong muốn là đem may mắn sự sống, màu đỏ, năng lượng khởi đầu cho sự no đủ. Đêm Giao thừa, bà con mang theo hương đi thắp ở đầu nguồn xong mới lấy nước, nước lấy về rồi đun với lá bưởi để rửa mặt, làm như thế để lấy những điều may mắn tốt đẹp về nhà và để nguồn nước chảy mãi không bao giờ cạn". Nước mới được đưa về nhà cũng là khi mọi điều không may mắn của năm cũ được rũ bỏ. Dâng nước mới lên bàn thờ tổ tiên xong, chủ nhà sẽ cho vào bếp lửa giữa sàn ngoài một đoạn củi dài hơn sải tay, gọi là "Quấn phừn tham pi" (Củi gộc khiêng tuổi) đủ để cháy âm ỉ trong ba ngày Tết.
Dựa theo các hành trong phong thủy, màu đỏ thuộc hành Hỏa, quẻ Ly và hợp hướng Nam. Số 9 biểu trưng cho màu đỏ, có nghĩa là hướng tới sự trường cửu, cuộc sống vĩnh hằng. Còn nguồn gốc sâu xa của màu đỏ còn mang ý nghĩa hóa giải những điều không may. Đồng thời, màu đỏ cũng xua đuổi tà ma, khiến quỷ dữ không đến gần cuộc sống. Từ đó mà việc trang trí các vật phong thủy trong nhà sàn của người Tày, Nùng như câu đối, đồng tiền, dây treo trang trí,...được bày trí trong nhà để bảo vệ cuộc sống bình an cho gia chủ trong năm mới.