Minh bạch trong đấu thầu thuốc giúp nâng cao chất lượng thuốc trong nước

Yến Anh (T/h)|17/04/2018 23:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Từ những hiệu quả mang lại từ kết quả đấu thầu thuốc tập trung do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) tổ chức trong năm 2017 cho thấy, kế hoạch mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và danh mục thuốc đấu thầu là phương án tối ưu giúp lựa chọn các sản phẩm thuốc có chất lượng tốt và minh bạch về giá.

>>>Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát chặt chẽ việc đấu thầu thuốc

Ảnh minh họa

Trước đó, BHXH đã có Công văn số 4996/BHXH-DVT ngày 8/11/2017 đề nghị Bộ Y tế tiếp tục xem xét ban hành bổ sung danh mục thuốc quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.

Cơ sở để mở rộng danh mục thuốc này là kết quả đạt được từ việc thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia với thuốc bảo hiểm y tế do BHXH tổ chức thực hiện với 5 hoạt chất. Cụ thể, giá thuốc giảm 21,1% (trong đó biệt dược gốc giảm 13,8%, thuốc generic giảm 33,3%), tiết kiệm 251 tỷ đồng chi phí thuốc cho người dân và giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, theo BHXH, hiện cơ quan này chưa thể tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung theo yêu cầu của Bộ Y tế, mà phải chờ đến cuối năm 2018. Nếu như phải chờ đến lúc đó mới tổ chức đấu thầu tiếp, thì BHXH chỉ có thể thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia sớm nhất là vào tháng 3/2019 và phải mất ít nhất 3 tháng nữa mới có kết quả đấu thầu. Như vậy, ít nhất 6 tháng đầu năm 2019, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải thực hiện các hình thức cung ứng thuốc khác để bảo đảm đủ thuốc cho nhu cầu điều trị.

Kết quả gói thầu đầu tiên đã giúp người bệnh không phải mua thuốc bị đội giá lên cao, thậm chí giá thuốc trong điều trị bệnh ung thư đã giảm tới 17 – 33%. Dù vậy, hết quý I/2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch đấu thầu thuốc lần 2. Vấn đề này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt câu hỏi cho Bộ Y tế tại buổi làm việc mới đây.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo quy định hiện hành, đấu thầu thuốc có 3 cấp: Cấp quốc gia (đấu thầu tập trung), cấp tỉnh (hiện nay, 63/63 tỉnh đã đấu thầu) và cấp bệnh viện. Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và cấp tỉnh.

Theo ông Phạm Lương Sơn, hiện có ý kiến cho rằng, phải xác định được tiêu chí phân định danh mục thuốc, trong đó có thuốc nhiều số đăng ký. Thực tế, có những thuốc chỉ 1 số đăng ký như biệt dược gốc khi đấu thầu tập trung có thể cắt giảm 10 – 15% chi phí. Ngược lại, có thuốc nhiều số đăng ký lại không trúng thầu do năng lực của nhà thầu không đáp ứng. Để thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần 2, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế cùng ban hành danh mục thuốc đợt này để thực hiện.

Yến Anh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch trong đấu thầu thuốc giúp nâng cao chất lượng thuốc trong nước