– Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những thứ quà đặc sắc của các vùng miền trên cả nước lại xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn của chúng ta. Với tôi, những món ăn bình dị xứ Huế đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chính vì những món ăn dân gian như thế, tâm hồn của chúng ta được nuôi dưỡng để rồi giờ đây tràn ngập tình yêu quê hương, đất nước.
>>> Xanh mãi những khúc ca xuân
>>> Manh áo mới ngày tết
Món ăn – Tấm lòng người xứ Huế
Những bát bún bò, bún thịt nướng, bánh bèo, bánh ram ít hay cơm hến, chè Huế như chứa đựng cả tâm hồn của người xứ Huế. Tôi nhớ lại một lần đến Huế chơi, ăn ở nhà người bạn, bữa ăn có thịt, có cá nhưng không hiểu sao mọi người thích mê những bát bánh bèo thơm ngậy. Thời buổi dân thành thị ngán những bữa ăn sơn hào hải vị thì một vài bát bánh bèo hay miếng ram ít nhỏ đã là đủ duy trì sức khỏe cho một ngày làm việc mệt nhọc.
Độ hai chục năm gần đây, các quán ăn bán món Huế đã mọc lên rất nhiều ở Hà Nội. Cho dù đã gia giảm đôi chút cay, mặn để phù hợp hơn với khẩu vị nơi đây nhưng căn bản món Huế vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống. Điều đặc biệt ở người nấu là họ đã cố gắng truyền hết tinh túy vào món ăn để giới thiệu văn hóa xứ Huế đến với mọi miền.
Những món ăn đó đại diện cho cả một nền văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ Huế, mà nay đã lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước. Thức ăn ngày nay không chỉ là thứ để chống đói qua ngày như câu tục ngữ “có thực mới vực được đạo”, mà còn là thứ để thỏa mãn niềm vui của nhiều người. Không chỉ làm nhiệm vụ tái sản xuất sức lao động của con người, những đồ ăn đặc sản của các vùng miền đất nước như bún bò, bánh bèo… còn mang ý nghĩa tự hào quê hương bản quán, tự hào vì được thưởng thức một món ăn bình dị mà ngon miệng.
Việc ăn uống giờ đây đã nâng lên tầm nghệ thuật, được coi như một thứ văn hóa. Mỗi vùng đất đều có những sản vật, đặc sản riêng, không lẫn vào đâu được. Với món ăn Huế, nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người xứ Huế được thể hiện rõ hơn bao giờ hết: nhẹ nhàng mà nồng nhiệt, tỉ mỉ mà da diết. Nấu món Huế là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của đầu bếp, thể hiện sự trau chuốt đến từng chi tiết, cũng là tính chỉn chu của người xứ Huế.
Sau này, những người xứ Huế đi tứ xứ mở quán ăn, từ Bắc chí Nam đều thể hiện tài năng khéo léo của mình, phát triển món ăn Huế khắp mọi miền đất nước, để món Huế trở thành một loại hình ẩm thực đặc sắc, từ bữa cơm gia đình cho đến bàn tiệc, ấy là do chất lượng, do nét đặc sắc không lẫn vào đâu được của món Huế, chứ hoàn toàn không phải do yếu tố quảng cáo, PR gì hết.
Trong cuộc sống, vật nào cũng chứa đựng ý nghĩa. Với món đặc sản xứ Huế này, bài học cho tôi là dù chỉ một món đơn sơ, hay bất cứ công việc dù nhỏ đến đâu cũng cần làm cẩn thận, tỉ mỉ bằng cả tấm lòng thì thành quả của mình sẽ được người khác công nhận, yêu mến. Cuộc sống chốn thị thành đã làm tôi gai góc hơn, toan tính hơn, nhiều lúc chỉ biết nghi ngờ khi nhìn người khác. Nhưng đến với Huế, tôi đã cảm ơn, đã hiểu hơn về tình người qua các món ăn nơi đây.
Trong sự phát triển của nước ta, việc bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng miền mang ý nghĩa vô vùng quan trọng, đặc biệt là với chủ trương giới thiệu nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với bạn bè quốc tế. Muốn vậy, chúng ta không thể xem các giá trị, coi các đặc trưng văn hóa như những giá trị cố định như một sản phẩm của lịch sử mà phải phát triển, phải nâng tầm cho phong phú thêm.
Trong thời đại phát triển và hội nhập ngày nay, những đặc sản chất lượng như món Huế cần được phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Không những phải tăng cường quảng bá thương hiệu mà còn phải có sự đoàn kết chặt chẽ hơn nữa giữa người dân và chính quyền, giữa những người làm đồ ăn Huế với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu. Bên cạnh đó, cần chung tay để loại trừ những người kinh doanh đặt đồng tiền trên đạo đức khi sử dụng nguyên liệu độc hại, qua đó bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và giữ gìn uy tín cho món ăn Huế.
Đinh Thành Trung