Mùa xuân nghĩ về những giai điệu đẹp

Minh Anh|27/01/2020 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mùa xuân thường đem đến cho muôn loài một sức sống mới, mãnh liệt và tràn đầy hứa hẹn. Con người lại càng có nhu cầu tìm đến cái đẹp, bởi đẹp làm nên ý nghĩa của cuộc sống. Tất nhiên, đẹp ở đây không chỉ thuần túy là vẻ đẹp hình thức bên ngoài mà hàm chứa cả những giá trị bên trong, tức bản chất làm nên giá trị.

Loại hình nghệ thuật có tính quần chúng rộng rãi nhất, được con người rất ưa thích đó chính là âm nhạc. V.I. Lê-nin đã nói một câu bất hủ: “Ai không biết yêu thích âm nhạc rất dễ trở thành tội phạm”. Tất nhiên, vị tác giả của cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại nói thế không có nghĩa cho rằng ai không yêu thích âm nhạc sẽ trở thành tội phạm, mà là “rất dễ”. Ta hiểu rằng âm nhạc có khả năng làm cho con người nhân ái, nhân văn hơn. Những tác phẩm âm nhạc giá trị, trong đó có yếu tố giai điệu đẹp sẽ đảm đương được sứ mệnh này.

Mùa xuân mang đến cho con người nhiều cảm xúc đẹp và chắp cánh cho những giai điệu đẹp ra đời

Trước hết, hãy nhắc đến một số bài hát đặc sắc viết về mùa xuân. Một trong những bài hát ra đời sớm mà nổi tiếng nhất là Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh. Một vẻ rất thanh bình, êm ả và cũng thật diễm lệ của một mùa xuân đã bừng lên khắp núi rừng Tây Bắc không còn bóng giặc, chỉ còn trai gái yêu nhau giữa bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng: “Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về. Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa…” Nghe đoạn mở đầu bài hát này, người ta dễ liên tưởng đến hai câu thơ miêu tả mùa xuân trong TruyệnKiều của Nguyễn Du:Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về mùa xuân, trở nên nổi tiếng đã mở ra một thời kỳ dựng xây hòa bình với sức sống thanh xuân tràn ngập khắp Tổ quốc. Một bài tình ca đặc sắc kết hợp chất liêụ âm nhạc dân gian vùng núi rừng Tây Bắc với bút pháp hiện đại. Nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh chỉ để lại một ca khúc trong đời, nhưng đến nay chưa có bài hát nào viết về tình yêu trai gái vùng Tây Bắc vượt qua được Tình ca Tây Bắc của ông. Sức quyến rũ của giai điệu với việc tả tình, tả cảnh tinh tế, sinh động khiến người nghe không còn để ý đến chút rườm rà của ca khúc.

Cảm hứng mùa xuân đã xuất hiện trong tất cả những bài hát với hai chủ thể: cái ta và cái tôi trữ tình. Tuy cái tôi trong rất nhiều bài gắn với việc biểu hiện tình yêu đôi lứa nhưng đã hoà quyện trong cái ta, chứ không ích kỷ, quá riêng tây. Đó là một đặc điểm rất cao quý ở những bài tình ca gắn với mùa xuân mà các nhạc sĩ đã sáng tác: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, xúc động lòng ta trước cuộc đời” (Mùa xuân đến rồi đó – Trần Chung). Ái tình dĩ nhiên là cõi rất riêng tư. Nhưng tình yêu cao cả chỉ có thể vững bền, đơm hoa kết trái khi cả hai cùng ý thức được sự gắn bó với cộng đồng. Thật cảm động lời họ trao gửi cho nhau “…Và chúng mình yêu nhau bắt đầu từ độ ấy. Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương. Và anh lại ra đi vui như ngày hội. Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa.” (Tình ca mùa xuân – Trần Hoàn).

Điều khá đặc biệt và thú vị là số lượng những bài hát hay, có giá trị viết về mùa xuân có chủ thể là ta chiếm tỉ lệ nhiều hơn những bài có chủ thể là tôi và sự thật công chúng nhiều thế hệ có phần hào hứng đón nhận những bài có âm điệu vui tươi sôi nổi hoặc lắng đọng nhưng nói đến cái ta nhiều hơn. Các bài Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân), Cùng hành quân giữa mùa xuân (Cẩm La). Có một bài mà tôi cho là viết về mùa xuân thật sâu sắc, đó là Một mùa xuân nho nhỏ – (Trần Hoàn), phổ thơ Thanh Hải. Bài hát thâm trầm, lắng đọng, da diết, giãi bày tâm trạng của con người trước mùa xuân – một tâm trạng không ồn ào náo nhiệt mà rất nhiều trăn trở, khát vọng, thật khiêm nhường nhưng lớn lao, cao cả: “Ta làm con chim hót, ta làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến, tan biến trong hoà ca…”.

Xuân Hồng là một nhạc sĩ có nhiều đóng góp đáng kể.Trong khối lượng đồ sộ những ca khúc cách mạng của ông, ít nhất có 3 bài viết về mùa xuân: Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ CHí Minh và Mùa xuân bên cửa sổ. Bài Xuân chiến khu, giai điệu vui tươi, hồn nhiên, trong sáng: “Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót líu lo…”. Nhưng bài Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh nghe lại thấy bùi ngùi, bồi hồi. Đây là niềm vui quá lớn, quá bất ngờ như trong mơ, vui mà cảm động đến rơi nước mắt: “Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào. Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau, xa ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…”. Còn bài Mùa xuân bên cửa sổ là dành cho những người đang yêu với giai điệu đầy quyến rũ, lãng mạn nhưng không kém phần sâu sắc.

Mùa xuân là khoảng thời gian khiến con người có nhiều tâm trạng nhất, được thể hiện rõ qua âm hưởng của những bài ca xuân. Ngoại trừ trường hợp Chào anh giải phóng quân; Chào mùa xuân đại thắng của Hoàng Vân có tiết tấu dồn dập, sôi nổi, khẩn trương, náo nhiệt, bởi tác giả cần diễn tả không khí ào ào như thác đổ của những đoàn quân đang đại thắng, còn hầu hết các bài đều phảng phất chút trầm lắng, suy tư. Ngay cả bài Xuân chiến khu của Xuân Hồng sáng tác năm 1963, có tính chất vui tươi, nhí nhảnh. Nhưng đến đoạn B của bài, giai điệu cũng dịu đi, lắng lại, thể hiện chút bâng khuâng giữa mùa xuân: Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi, chào anh bộ đội thêm một tuổi đời…

Giai điệu đẹp trước hết là đường nét âm điệu (có người gọi là tuyền điệu) phải nổi rõ hình tượng. Những bài hát có liên quan đến dòng sông đều cùng diễn tả cái trôi, cái lướt với những âm điệu trữ tình quyến rũ của thiên nhiên, nhưng Du kích sông Thao khác Sông Lô, lại càng khác Thỏa nỗi nhớ mong (dân ca quan họ Bắc Ninh). Dòng sông Thao của Đỗ Nhuận có cái êm ả, khoáng đạt, có cái xa vời tít tắp, có cái đắm say của lòng người dân quanh năm gắn bó với dòng sông. Văn Cao lại diễn tả dòng sông của mình cuồn cuộn chảy, vì dòng sông hẹp nên chảy xiết qua lắm thác nhiều ghềnh. Dòng sông Lô này như đang vang lên âm điệu hào hùng của những chiến công, như đang cuốn theo xác giặc ra biển.

Mùa xuân đã đến bên hiên nhà

Còn dòng sông Cầu trong bài dân ca quan họ Bắc Ninh thực sự là dòng sông hò hẹn, nơi trao gửi ân ái. Âm điệu bài hát không dàn trải mênh mang, mà lên xuống, luyến láy nhiều để diễn tả cái róc rách trong tâm hồn, trong cõi lòng của đôi trai gái: “Em ở đầu sông chứ riêng anh í i, riêng anh ở cuối í i ì í i i ì í i í i i dòng sông, Dòng sông chứ đợi chờ, nước chảy í i lơ thơ ì í i i ì ”… Nghe kỹ giai điệu sẽ thấy dòng sông ấy nhỏ bé, nước chảy lượn lờ, hình như là một dòng sông của kỷ niệm, của lòng người hơn là của thiên nhiên. Sao lại có những âm í i trong bài? Đó chính là sự tinh tế, thần tình của tác giả dân gian xưa để biểu hiện cõi lòng không thể phô diễn hết. Người hát xử lý những tiếng í i này không dễ.

Sáng tạo nên những giai điệu đẹp luôn là công việc khó khăn nhưng đầy hứng thú của các nhạc sĩ. Đó là sứ mạng của bất cứ nhạc sĩ nào nếu muốn sống được trong trái tim của nhiều thế hệ công chúng.

Mùa Xuân tràn về khắp muôn nơi trên quê hương Việt Nam. Mùa xuân ngưng đọng trong âm nhạc, dưới góc nhìn, cách cảm và khối óc tài hoa của người nhạc sĩ đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm hay về mùa Xuân. Với nhiều người không còn trẻ, Xuân cũng có nghĩa là hoài niệm, là sống với những ký ức của một thời và mãi mãi.

Nếu như Xuân và tuổi trẻ là một trong những tác phẩm đại diện cho những thanh âm mùa xuân trong âm nhạc của Tân nhạc thời kỳ đầu, thì ca khúc Mùa Xuân đầu tiên như một dấu mốc quan trọng trong âm nhạc sau năm 1975. Đó là cảm xúc ngập tràn khi mùa Xuân đầu tiên đất nước thống nhất. Mùa Xuân đầu tiên như một lời khẳng định, một sức mạnh vô hình của âm nhạc có tác động to lớn vào đời sống của mỗi người dân về một mùa xuân hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Minh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân nghĩ về những giai điệu đẹp