Năm Tý đọc lại bài thơ “Ghét chuột” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Viết Chính|24/01/2020 12:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm Canh Tý (2020) này, đọc lại bài thơ “Ghét chuột” của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ta thấy chúng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự nóng hổi.

“Trời sinh ra loài người/ Ấm no theo lòng dục/ Ô ! Xưa kia thánh nhân/ Dạy dân trồng ngũ cốc/ Cha mẹ được nuôi nấng/ Vợ con có dưỡng dục/ Chuột lớn kia bất nhân/ Gặm khoét thật thâm độc/ Đồng ruộng trơ lúa khô/ Kho đụn hết gạo thóc/ Nông phu cùng nông phụ/ Bụng đói miệng gào khóc/ Mệnh người dám coi thường/ Chuột mi sao tàn khốc/ Ỉ thành xã làm càn/ Thần, nhân đều oán ghét/ Mi làm mất lòng người/ Tất bị người tru lục/ Thây phơi chốn thị, triều/ Thịt cho diều quạ rúc/ Khiến cho dân điêu tàn/ Thái bình hưởng hạnh phúc” (Ghét chuột-Nguyễn Bỉnh Khiêm; bản dịch của Ngô Lập Chi).

Quả thực, cho đến bây giờ, mỗi khi tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo hình, báo viết; đọc, nghe, thấy về những hành vi nhũng nhiễu của một số “quan tham”, tôi lại nghĩ đến bài thơ “Ghét chuột” trên đây của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Có thể nói, ông là nhà tư tưởng lớn, đồng thời là một tác gia lớn của dân tộc ở thế kỷ XVI. Gần 500 năm trôi qua, biết bao thế hệ những người con dân đất Việt đều nhắc tới ông với một tấm lòng cảm phục và tự hào. Cũng phải thôi, bởi sinh thời ông là một con người được mọi người nể trọng không chỉ bởi ở học vấn mà còn ở phẩm chất và nhân cách con người. Lúc sinh thời, dù học giỏi nhưng ông không đi thi. Mãi đến tuổi 45, bạn bè thúc dục mãi ông mới đi thi và đỗ Trạng Nguyên vào đời Mạc Đăng Doanh (1535).

Sau 8 năm làm quan, dù là người rất thiết tha với việc dân, việc nước, nhưng hiềm một nỗi, ông thấy triều đình quá đổ nát, thời thế quá đảo điên, bọn tham quan ô lại nhũng nhiễu hoành hành, nên ông xin từ chức về quê. Với ông lúc đó, phú quý đi với chức quyền chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau mà sống. Bọn chúng như bầy chuột lớn gây hại cho nhân dân mà ông vô cùng căm ghét. Nghĩ giận lũ quyền quý ấy chỉ nghĩ đến lợi riêng mà gây họa cho thiên hạ, giống như một lũ chuột : Chúng chui rúc, cắn phá, gặm nhắm mà không một chút xót thương đối với sinh mệnh của người dân. ông ngụ ý những điều đó vào bài thơ Ghét chuột để bày tỏ lòng mình:  Thạc thử hồ bất nhân/ Thảo thiết tứ âm độc./ Nguyên dã hữu cảo miêu/ Lẫm dữu vô dư túc./ Lao phí nông phu thán/ Cơ ích điền dã khấp/ (…)/ Dân mệnh vi chí trọng/ Tàn hại hà thái khóc. Chao ôi, quả thực là lũ chuột lớn kia quá bất nhân, chúng không nghĩ gì ngoài việc gặm khoét với nhiều âm mưu độc hại, khiến cho người người trong làng ngoài nội đói khát kêu khóc. Chúng chẳng lấy sinh mệnh của người dân làm trọng, tàn hại mạng người rất thảm khốc. Nhưng vì sao loài chuột dơ dáy ấy vẫn sống mà không bị tiêu diệt? Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng vì chúng có chỗ ẩn nấp an toàn : “Thành xã ỷ vi gian/ Thần nhân oán mãn phúc” (Ỉ thành xã làm càn/ Thần, nhân đều oán ghét).

Một nhà nghiên cứu văn học hiện đại đã giải thích hai câu thơ ấy như sau : “Loài chuột và loài cáo làm tổ ở tường thành và dưới đàn xã, đàn tắc, thường không bị người ta bắt vì không ai dám đào phá tường thành là nơi cần phải củng cố hoặc đàn xã, đàn tắc là nơi thờ cúng uy nghiêm. Bọn quan lại bóc lột tàn tệ mà nhân dân không chống lại được vì chúng dựa vào uy thế và sự bao che của nhà nước cũng như loài chuột, loài cáo dựa vào tính bất khả xâm phạm của tường thành hoặc đàn xã, đàn tắc”. Ở đó, chúng khoét sâu, nằm yên mưu đồ đục khoét, hại nước, hại dân.

Dù thế, ông vẫn luôn khẳng định về tính nhân quả ở đời : Kẻ gieo gió tất sẽ gặt lấy bão. Và số phận của những kẻ chuyên đục khoét đó ắt cũng là như thế : “Nhiêu thất thiên hạ tâm/ Tất thụ thiên hạ lục/ Triều, thị tứ nhĩ thi/ Ô diên khiết nhĩ nhục” (Mi làm mất lòng người/ Tất bị người tru lục/ Thây phơi chốn thị, triều/ Thịt cho diều quạ rúc). Và có lẽ cũng chỉ có cách đó thôi thì người dân lành mới được hưởng một cuộc sống thái bình, hạnh phúc.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn đủ sáng suốt để tin rằng, ở trên đời này, dù là thời nào, vẫn luôn còn đó lòng nhân chứ không phải là sự thù hận. Nhưng cái lòng nhân ấy, ông biết trao truyền cho ai? Chắc chắn không phải là những người đang ở trên giai cấp thống trị, đang say sưa với quyền lực ở triều đình. Vậy thì ông chỉ còn hy vọng nơi những người trẻ tuổi, chỉ những người chưa bị lợi danh làm mờ mắt như vậy mới có hoài bão lớn, chí khí lớn cho dân cho nước mà thôi. Bởi vậy nên khi vừa về đến quê nhà, ông đã lập tức cùng với các bô lão trong làng Trung Am lập một cái quán để trao truyền lòng nhân ấy. ông đặt quán ấy là Trung Tân Quán.

Chuột – hình tượng độc đáo trong văn học

Trong số những người trẻ tuổi đến học với Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Trung Tân Quán này có Nguyễn Dữ, tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục và Phùng Khắc Khoan, người mà Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút đã nói là: “Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan đều là tinh anh của non sông đúc lại”… Và quả rằng, những người học trò thành đạt của thầy đã nối được chí thầy.

Đầu xuân năm Canh Tý (2020) này, đọc lại bài thơ “Ghét chuột” của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ta thấy chúng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự nóng hổi. Đó là tai họa của lũ chuột đồng, chuột nhà đang hoành hành mọi nẻo. Chúng phá hoại lương thực, thực phẩm; gieo rắc bệnh tật cho con người. Và rồi cả trong đời sống thường nhật của ta vẫn luôn hiển hiện trong đó những con chuột xù “tham nhũng”, có nhiều con chẳng phải là loại “chuột thường”; chúng đang ngày đêm gặm nhắm của cải của Nhà nước và nhân dân; làm tổn thất không nhỏ về mặt vật chất, nhưng nguy hại nhất là chúng đã và đang làm xói mòn lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân.

Đối với loại chuột “tham nhũng” này, Đảng và Nhà nước ta vẫn đã và đang quyết tâm “tru lục” chúng. Đảng đã có những chính sách và những việc làm rất cụ thể về việc phòng chống nạn tham nhũng. Tin rằng, dù chẳng phải dễ dàng, nhưng với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như toàn thể các tầng lớp nhân dân ta trong cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang diễn ra này, chúng ta nhất định sẽ diệt hết các loài chuột để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thái bình cho người dân. Chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng.

             Nguyễn Viết Chính

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm Tý đọc lại bài thơ “Ghét chuột” của Nguyễn Bỉnh Khiêm