Ngày Khí tượng Thế giới 23/3/2019 với chủ đề: “Mặt trời, trái đất và thời tiết”

Hải Dương|25/03/2019 01:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo truyền thống, vào ngày 23/3 hàng năm, tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thường tập trung vào một vấn đề trọng tâm. Hiện, thiên tai đang diễn ra ngày càng khốc liệt và bất thường do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, trong khi đó năng lượng mặt trời đóng vai trò chủ đạo quyết định sự diễn biến của khí hậu, thời tiết trên trái đất. Vì thế, tổ chức Khí tượng Thế giới đã lựa chọn chủ đề “ Mặt trời, trái đất và thời tiết” cho ngày Khí tượng Thế giới năm 2019.

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3/2019 với chủ đề: “Mặt trời, trái đất và thời tiết”

 Mặt trời cung cấp năng lượng cho toàn bộ sự sống trên trái đất. Mặt trời điều khiển quá trình mây, mưa; chu trình dòng chảy trên sông, suối và các dòng hải lưu ở đại dương. Mặt trời tạo cảm xúc và hoạt động của mỗi chúng ta hàng ngày, mặt trời cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc, nghệ thuật và nhiếp ảnh. Hình thành khoảng 4,5 tỷ năm qua, cách trái đất gần 150 triệu km. Mặt trời là trung tâm của hệ mặt trời, cung cấp năng lượng đều đặn cho trái đất để các sinh vật duy trì sự sống, tạo ra khí hậu và thời tiết.

Các số liệu quan trắc vệ tinh khoảng 30 năm gần đây cho biết, năng lượng mặt trời cung cấp cho trái đất không hề gia tăng. Như vậy, sự nóng lên của trái đất không thể là do hoạt động của mặt trời gây ra.

Khí nhà kính được coi là nguyên nhân làm cho đại dương ấm lên và gây ra hiện tượng băng tan ở 2 cực. Từ năm 1990, các khí nhà kính trong khí quyển đã làm gia tăng 41% tổng bức xạ; nhân tố gây ra quá trình nóng lên toàn cầu, ảnh hưởng đến khí hậu trên toàn trái đất. Trong đó khí Cacbonic chính là nguyên nhân làm 82% lượng bức xạ gia tăng trong thập kỷ vừa qua. Số liệu cho biết thêm, năm 2017, khí Cacbonic đã đạt 405,5 phần triệu và đang tiếp tục tăng cao nữa.

Nếu nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng với xu hướng như hiện nay, thì nhiệt độ trái đất có thể tăng từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ này. Điều này vượt xa mục tiêu của thoả thuận Paris của Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, mục tiêu đề ra là cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 2 độ C, nếu làm tốt thì có thể đạt mức 1,5 độ C.

Hiện, biến đổi khí hậu đã tạo ra các đợt nắng nóng và đi kèm là nhiệt độ cao kỷ lục ở phạm vi địa phương, phạm vi quốc gia, sẽ mở rộng ra phạm vi khu vực và toàn cầu. Các hiện tượng sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn. Chúng xảy ra thường xuyên và ngày càng gay gắt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu kéo theo mọi rủi ro ngày càng gia tăng các liên quan đến khí hậu như sức khoẻ con người, sinh kế, cấp nước, an ninh lương thực, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế.

Tổng hợp các mô hình dự báo khí hậu đều có chung kết quả là nhiệt độ trung bình sẽ tiếp tục tăng trên hầu hết các châu lục và đại dương. Nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn tại những khu vực con người sinh sống. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như mưa lớn, hạn hán, giá rét… xuất hiện với tần suất dày hơn ở một số nơi trên Thế giới.

Ngay cả khi bầu trời nhiều mây kéo dài, mặt trời vẫn có thể cung cấp một nguồn năng lượng thay thế các nguồn năng lượng khác. Hiện năng lượng mặt trời đang được sử dụng rộng rãi trên toàn Thế giới để sản xuất điện năng, sưởi ấm, hoặc lọc nước biển thành nước ngọt. Hiểu được mặt trời ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ra sao là nhiệm vụ quan trọng của những người làm công tác dự báo thời tiết, tổ chức khí tượng của các Quốc gia trong sứ mệnh xây dựng cộng đồng mình có sức chống chọi lại trước sự biến đổi của khí hậu.

Từ cách tiếp cận tổng hợp toàn bộ hệ thống tự nhiên xung quanh trái đất. Trong tương lai gần, tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ tạo ra các sản phẩm khoa học và dịch vụ tốt nhất giúp các Quốc gia về dự báo thời tiết, khí hậu, thuỷ văn, đại dương và môi trường.

Hải Dương

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Khí tượng Thế giới 23/3/2019 với chủ đề: “Mặt trời, trái đất và thời tiết”