Người dân các xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đang phấn khởi vì mùa ớt chỉ thiên năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.
>>>Đức phải mở kho dự trữ nhiên liệu chiến lược vì hạn hán kéo dài
>>>Việt Nam tham dự họp Hội đồng Bảo an về “Nước, Hòa bình và An ninh”
Trung bình 1ha ớt chỉ thiên mang lại 130 triệu đồng cho người dân. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Theo phản ánh của người dân, cây ớt chỉ thiên có khả năng sinh trưởng tốt, mùa thu hoạch kéo dài. Trung bình, cứ 3-5 ngày, các hộ trồng ớt có thể thu hoạch một lứa, liên tục trong 7-8 tháng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, ớt chỉ thiên có đặc tính dễ trồng, công chăm sóc ít nên giảm được chi phí đầu tư, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ngoài ra, do thời tiết ấm, thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của ớt nên được mùa. Người dân cho hay, giá thu mua ớt tại thời điểm hiện tại là 13.000-15.000 đồng/kg.
Ớt cay luôn có đầu ra ổn định, hiệu quả cao hơn so với những loại cây trồng khác nên nhiều hộ trồng ớt có lãi ròng từ 130 – 150 triệu đồng/ha. Chị Cao Thị Tư, người dân Xóm Hiệp 2, xã Nghĩa Liên phấn khởi: Chất đất của địa phương phù hợp với cây ớt nên ớt sai quả. Năm nay gia đình chị lãi khoảng 12 triệu đồng/sào.
Ông Lê Thanh Đàn – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An khẳng định, cây ớt cay chỉ thiên hiện đang chiếm ưu thế vượt trội, người dân thu hoạch đến đâu được tư thương trên địa bàn thu mua kịp thời đến đó, đem lại lại nguồn thu đáng kể. Giá ớt tăng đã kích thích nông dân đẩy mạnh việc chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích.
UBND xã Nghĩa Liên cũng nhận thấy đây là loại giống dễ trồng, có khả năng kháng bệnh tốt, thời gian thu hoạch kéo dài đến 8 tháng, giá bán tương đối ổn định nên xã đã vận động bà con, phát triển diện tích trồng ớt cay chỉ thiên lên tới 5ha.
Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động tăng cường mối liên kết 4 nhà (liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước), chủ động ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tư thương để tránh bị thiệt thòi.
Phương Thảo (t/h)