Ngỡ ngàng Việt Nam lần đầu tiên có trường đào tạo ngành Kỹ thuật Robot

16/03/2018 08:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những điểm mới trong tuyển sinh năm 2018 trường Đại học Công Nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội)

(Moitruong.net.vn) – “Đề án mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Robot”, do trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) xây dựng vừa được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt ngày 18/2/2018 và sẽ được tuyển sinh ngay trong mùa tuyển sinh năm 2018. Đây là lần đầu tiên, tại Việt Nam có trường đào tạo về ngành Kỹ thuật Robot.

>>>

Thầy Cô và các sinh viên Trường Đại học Công nghệ trong chuyến thăm và trao đổi học tập, nghiên cứu về Robot tại Trường Đại học Công nghệ ChiBa, Nhật Bản

Ngành Kỹ thuật Robot là một ngành đào tạo mang tính liên ngành cao, là sự kết hợp giữa các ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, Kỹ thuật điện, điện tử, trí tuệ nhân tạo… Kỹ sư ngành Kỹ thuật Robot được đào tạo về Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điều khiển, Kỹ thuật điện, điện tử, truyền thông, xây dựng phần mềm, ghép nối phần cứng, và tích hợp phần cứng-phần mềm để thiết kế, chế tạo và vận hành Robot.

Theo đó, trên cơ sở “Đề án mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Robot”, Trường Đại học Công nghệ đang có những bước chuẩn bị tích cực, chủ động để tiến hành tuyển sinh và tổ chức đào tạo hệ Kỹ sư ngành Kỹ thuật Robot ngay trong mùa tuyển sinh năm 2018 này, với 60 chỉ tiêu.

Các vị trí việc làm hấp dẫn sau khi học ngành kỹ thuật Robot ra trường gồm:

Nhóm 1: Kỹ sư kỹ thuật, thiết kế, quản lý nhóm, dự án: Có năng lực làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp thuộc các lĩnh vực: Robot, Điều khiển và Tự động hóa, Điện, Điện tử – Truyền thông, Công nghệ thông tin. Các kỹ sư sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các tập đoàn, nhà máy và các cơ sở sản xuất liên quan đến thiết kế, chế tạo robot thông minh, thiết kế, vận hành các dây truyền sản xuất tự động, tay máy robot công nghiệp, cả về phần cứng, phần mềm, và các hệ thống nhúng.

Nhóm 2: Chuyên viên phân tích, tư vấn và kinh doanh: Có khả năng làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn, doanh nghiệp, các bộ và sở, ban, ngành liên quan; có thể đảm nhận các công việc: tư vấn sản phẩm công nghệ, thiết kế phát triển các sản phẩm mẫu…, có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức.

Nhóm 3: Nghiên cứu viên và giảng viên: Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu; tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến Robot, Điều khiển và Tự động hóa; trợ lý giảng dạy, giảng viên dạy các học phần thuộc ngành đào tạo; phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới.

Để chương trình đào tạo Kỹ thuật Robot đạt hiệu quả cao, TS. Đinh Triều Dương, Chủ nhiệm Khoa Điện tử-Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, cho biết: ngoài sự chuẩn bị tốt về con người, điều kiện cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trường  đã triển khai nhiều hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Đức, Singapore… Trong đó, Phòng thí nghiệm Toshiba, IBM, Samsung được đặt tại trường Đại học Công nghệ là những điểm nối giữa Trường và các hãng Công nghệ lớn trên thế giới. Đặc biệt, trường Đại học Công nghệ đã hợp tác chặt chẽ với trường Đại học Công nghệ Chiba, là trường đại học hàng đầu của Nhật Bản và thế giới về công nghệ thiết kế, chế tạo Robot. Hàng năm, giữa hai trường luôn có các cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên trao đổi hợp tác nghiên cứu, seminar khoa học liên quan đến lĩnh vực Kỹ thuật Robot.

Hướng Dương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngỡ ngàng Việt Nam lần đầu tiên có trường đào tạo ngành Kỹ thuật Robot
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.