Ngôi trường xanh độc đáo trên đảo Bali

15/07/2019 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nằm ở giữa rừng trên hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali của Indonesia, “Trường Xanh” là tên một ngôi trường được làm hoàn toàn từ vật liệu thân thiện môi trường.

Trường Xanh nằm ven sông Ayung, con sông dài nhất của Bali, cách khu du lịch nổi tiếng Ubud khoảng 30 km. Trường do hai vợ chồng triệu phú người Mỹ là ông John và bà Cynthia Hardy thành lập năm 2006, mở cửa đón học sinh từ năm 2009, bắt nguồn từ chính nhu cầu của gia đình là tìm một trường học phù hợp cho hai con gái của họ.

Các tòa nhà trong trường được xây dựng chủ yếu từ tre, nứa; tường trát bùn kiểu truyền thống và mái lợp bằng một loại cỏ được trồng ở địa phương. Điểm nhấn trong khuôn viên là tòa nhà lớn làm bằng tre được gọi là “Trái tim của trường học”. Đây là công trình kiến trúc mô phỏng hình dáng nhà sàn của nhiều vùng dân tộc thiểu số châu Á: một căn nhà dài 60 m xây dựng từ 2.500 cọc tre. Ngoài ra, gần như tất cả các vật dụng trong lớp học như bàn, ghế và công trình khác, bao gồm cả thư viện cũng như các khu vực sân chơi đều làm từ tre.

Trường Xanh được làm bằng các vật liệu thân thiện môi trường.

Ý tưởng ban đầu về một trường học thân thiện môi trường của John và Cynthia Hardy đã được phát triển và thực hiện vượt xa mong đợi của họ. Hardy cho biết, ông không chỉ hy vọng rằng mái trường sẽ giúp con cái của họ trở thành những công dân có ý thức bảo vệ môi trường, mà còn được học tập và thấu hiểu hơn về mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên.

Bởi vậy, sinh thái học đã trở thành một cốt lõi trong chiến lược học tập tại đây. Học sinh của Trường Xanh giảm tải các môn truyền thống để dành thời gian cho các kỹ năng cần có trong tương lai như làm việc nhóm, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Các em được hòa mình vào thiên nhiên mỗi ngày, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên đa dạng trên đảo Bali. Các em cũng tự trồng và chăm sóc rau sạch trong vườn trường, thu hoạch rau dùng cho bữa ăn trong ngày. Trong môn “Kinh tế xanh” của học sinh lớp 5, mỗi học sinh vay cha mẹ một khoản vốn để mua gà, sau đó nuôi tại trường và bán trứng cho căng-tin.

Ngôi trường đã vận hành suốt 10 năm qua với tối thiểu lượng rác thải ra môi trường nhờ sự sáng tạo và tái sử dụng hợp lý. Đây cũng là đề bài mà nhà trường giao cho các thầy, cô giáo và học sinh của mình. Trong hoàn cảnh đó, nhiều học sinh cũng đã đưa ra những ý tưởng táo bạo có thể áp dụng vào thực tế. Khi học chuyên đề về nhiên liệu tái tạo, một nhóm học sinh đã nghiên cứu từ ý tưởng thu gom dầu ăn qua sử dụng để chuyển đổi thành xăng sinh học. Nhờ đó, chuyến xe “Bio Bus” đã lăn bánh đưa đón học sinh đến trường trong suốt bốn năm qua mà không cần dùng đến xăng. Bếp ăn tại đây cũng nấu bằng mùn cưa hoặc rơm, đồ ăn đựng trong khay bằng lá chuối…

“Dù tuổi còn nhỏ nhưng những học sinh của chúng tôi đã thật sự tạo ra thay đổi đáng kể góp phần bảo vệ môi trường ở Bali”, cô giáo Heather Blair của Trường Xanh chia sẻ. Blair cũng hết sức tự hào khi một trong những học sinh của Trường Xanh là người phát động chiến dịch nói “không” với túi nylon trên đảo Bali, được giới chức địa phương ủng hộ; một nhóm khác nhận được giải thưởng danh giá của các nhà nghiên cứu ở Đức nhờ kế hoạch kết hợp năng lượng mặt trời và thủy điện để bơm nước sông vào bể chứa…

Xe buýt sử dụng nhiên liệu sinh học đưa đón học sinh của Trường Xanh.Ảnh: GSBIOBUS

Mô hình của Trường Xanh đã nhận được sự hoan nghênh tại các hội nghị khí hậu trên thế giới. Không ít phụ huynh từ nhiều quốc gia khác cũng đã quyết định chuyển đến Bali làm việc và gửi gắm con em học tại trường này. Những vấn đề mà thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt đã khác nhiều so trước đây, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức về ô nhiễm môi trường đang nổi lên. Bởi vậy, ngôi “trường xanh” trên đảo Bali đã ghi tên mình trở thành một trong những địa chỉ đào tạo học sinh có trình độ thông thạo về nhiên liệu thay thế và phát triển bền vững.

Tú Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngôi trường xanh độc đáo trên đảo Bali
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.