Indonesia nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa

Hà Hương (T/h)|10/06/2019 04:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm 2019, Indonesia đã quyết định chi 10.000 tỷ Rupiah (hơn 700 triệu USD) cho các địa phương có thành tích và nghiêm túc trong việc quản lý và xử lí rác thành năng lượng điện dựa trên công nghệ xanh.

Theo cơ quan Thống kê Trung ương và Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Indonesia, mỗi năm quốc gia này sản xuất 64 tấn rác thải, trong đó 3,2 tấn rác sẽ theo các con sông đổ ra biển. Trên thực tế, rác thải nhựa có thể phải mất hàng chục tới hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Nguy hiểm hơn khi rác thải nhựa sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa là mối đe dọa tiềm tàng cho hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Một nghiên cứu của trường Đại học Georgia, Mỹ đã chỉ ra rằng có khoảng 28% số cá đang tiêu thụ tại Indonesia có chứa hạt vi nhựa.

Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia, Susi Pudjiastuti báo động: “Nếu chúng ta tiếp tục xả rác ra biển thì tới năm 2030, nhựa sẽ nhiều hơn cá. Hơn nữa chúng ta cũng cam kết với thế giới sẽ giảm 70% số rác nhựa vào năm 2025. Tôi đề nghị chúng ta hạn chế sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày một cách tối đa. Chính phủ kết hợp chính quyền địa phương kêu gọi thay vì sản xuất nhựa 1 lần, hãy sản xuất nhựa có thể tái chế hoặc sử dụng các sản phẩm giấy sẽ tốt hơn rất nhiều.”

Vì vậy, một kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải giai đoạn 2018-2025 đã được đưa ra để cung cấp định hướng chiến lược cho các Bộ ban ngành liên quan, cung cấp các tài liệu tham khảo cho cộng đồng và các chủ thể kinh doanh nhằm đẩy nhanh việc xử lý chất thải biển. Chính quyền một số thành phố lớn như Surabaya, Banjarmasin, Balikpapan, Bogor và đặc biệt tại đảo Bali cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó cấm sử dụng hoàn toàn nhựa một lần.

Thay vào đó, người ta sử dụng các sản phẩm truyền thống của địa phương như túi đan bằng tre, ống hút tre và sử dụng lá chuối để gói đồ ăn. Tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị và ngay cả chợ truyền thống ở Indonesia, người dân sẽ phải trả phí nếu muốn sử túi ni lông.

Các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường và biển đã không giữ im lặng. Hàng loạt phong trào được ra đời như: Phong trào Indonesia sạch, phong trào nói không với túi ni lông, phong trào hướng dẫn làm sạch biển Nusantara, hay phong trào Thợ lặn hành động sạch. Hoạt động của các phong trào xoay quanh việc làm sạch rác trên biển, quản lý chất thải trên các đảo, vận động nhận thức cộng đồng về chất thải nhựa.

Năm 2019, Indonesia đã quyết định chi 10.000 tỷ Rupiah (hơn 700 triệu USD) cho các địa phương có thành tích và nghiêm túc trong việc quản lý và xử lí rác thành năng lượng điện dựa trên công nghệ xanh. Hiện nay, tại Indonesia có 12 thành phố đã thành công trong việc xây dựng nhà máy điện năng lượng rác thải. Dự kiến, các nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay và đặt mục tiêu có thể sản xuất ít nhất 234 megawatt (MW) điện từ khoảng 16 nghìn tấn rác thải mỗi ngày trong giai đoạn 2019-2022.

Hà Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Indonesia nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.