Người Anh đem sông Thames từ cõi chết trở về

Theo Nông Nghiệp|19/12/2018 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

60 năm trước, không có sinh vật nào có thể tồn tại trên sông Thames, vì ô nhiễm. Nhưng giờ đây, con sông giữa thủ đô London, Anh trở thành nhà của hải cẩu và cá heo hay thậm chí là cá voi cũng đi lạc vào đây.

>>>Kon Tum: Phát hiện lâm tặc vận chuyển hơn 4m3 gỗ trên sông Đăk Bla

>>>Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội – Bài 4: Phớt lờ lệnh đình chỉ, Công trình 51 Phan Bội Châu vẫn ngang nhiên thi công gây lún nứt nhà dân

Người Anh đem sông Thames từ cõi chết trở về

Ô nhiễm nặng

Năm 1957, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh tuyên bố sông Thames đã chết về mặt sinh học. Những tin tức thời kỳ đó miêu tả dòng sông như một cái cống khổng lồ, hôi thối và ô nhiễm.

Trong bài viết của tờ The Guardian năm 1959 có đoạn: “Thủy triều biến sông Thames thành một chiếc cống hở khổng lồ rất khó quản lý. Không có bất kỳ hàm lượng ô xy nào trong lòng sông trong suốt chiều dài hàng km trước và sau cầu London”.

Có một sự thật là nếu ai đó chẳng may rơi xuống sông Thames vào khoảng thời gian này, người đó sẽ phải đến bệnh viên cấp cứu vì bên dưới chỉ toàn là nước thải chưa được xử lý.

Nguyên nhân ô nhiễm được cho là các vụ đánh bom trong thời chiến phá hủy một số hệ thống cống cũ, vốn giúp dòng sông không bị ô nhiễm. Sau thế chiến, nước Anh trở nên kiệt quệ, về cả tài nguyên cũng như năng lượng nên không thể phục hồi những mất mát này một cách nhanh chóng.

Trong bài viết khác của The Guardian cũng trong năm 1959, một thành viên của House of Lords, tiền thân của Quốc hội Anh hiện nay khẳng định việc làm sạch dòng sông là điều không cần thiết. Theo đó, con sông sẽ biến thành kênh nước thải tự nhiên và cần để nó tự làm sạch chất thải hữu cơ.

Mặc dù các loại vi khuẩn giúp phân hủy chất thải hữu cơ nhưng chúng lại loại bỏ hoàn toàn ô xy và không còn sinh vật nào có thể sống trên sông Thames. Do đó, chúng biến sông Thames thành dòng nước chết.

Cho mãi đến cuối những năm 1960, hệ thống cống nước thải cũ của London mới được khôi phục, cùng với sự vực dậy về kinh tế của đất nước sau chiến tranh. Từ đó, sông Thames bắt đầu ‘thở’ trở lại, ô xy xuất hiện trong dòng nước.

Hồi sinh

Ngoài cải tạo hệ thống cống, một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp sông Thames sạch trở lại là quá trình dọn dẹp của người dân địa phương.

Trong những năm 1970-1980, nhận thức về môi trường của người dân được tăng cao, các nguồn thải nguy hiểm xuống sông cũng theo đó mà giảm theo. Ví dụ như, thuốc trừ sâu, trừ cỏ được sử dụng ít hơn, những cơn mưa sẽ không cuốn chúng xuống sông. Hay các loại hóa chất dùng trong tráng phim cũng ngày càng ít do xu hướng chuyển sang sử dụng máy kỹ thuật số.

Với nhiều thay đổi như trên, con sông được hồi sinh, hiện có khoảng 125 loài cá đang sống trên sông Thames, so với con số 0 vào những năm 1950.

Đại diện nhóm tình nguyện Thames21, Chris Coode nói: “Khi bạn để con sông tự nhiên nhất có thể, sự sống sẽ trở lại. Đây không phải là những chú cá nuôi mà chúng sống hoàn toàn tự nhiên”.

Việc các loài cả trở lại kéo theo sự xuất hiện của một số động vật có vú từ biển như hải cẩu, cá heo, thậm chí cá đuối hay cá voi cũng đôi khi bơi lạc vào dòng sông.

Những mối đe dọa khác

Mặc dù hồi sinh nhưng sông Thames trong giai đoạn hiện nay lại phải đối mặt với những mối đe dọa mới. Theo David Morritt, chuyên gia sinh thái thủy sinh của Đại học London, nguy cơ tái ô nhiễm của sông Thames trở nên hiện hữu do rác thải nhựa.

Trong một nghiên cứu năm 2015 của Đại học London, hơn 75% cá sống trên sông Thames có nhựa trong ruột. Những con cá có nhựa trong ruột lại là mồi cho những loài lớn hơn, do đó chất độc lại tiếp tục lan truyền.

Để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, chiến dịch làm sạch dòng sông có tên Cleaner Thames được ra đời vào tháng 9/2015. Khi đó, dọn rác thải nhựa trên sông Thames là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn do có rất nhiều nguồn xả thải.

Những mảnh nhựa nhỏ, cây bông lau tai, hay lông bàn chải thường bị xả xuống bồn cầu hoặc bệ rửa mặt. Chúng có thể lọt qua các hệ thống lọc trong nhà máy xử lý nước và mất hàng thập kỷ để phân hủy.

Trong khi đó, túi nilon và vỏ bọc bao thuốc dù được phân loại, thu gom nhưng vẫn có thể rơi xuống cống do chúng nhẹ, dễ bị gió cuốn đi. Theo số liệu của công ty cấp thoát nước Thames Water, mỗi năm họ thu được 25.000 tấn rác thải nhựa từ hệ thống lọc trong nhà máy xử lý.

Ngoài rác thải nhựa, ô nhiễm tiếng ồn do việc phát triển du lịch trên sông cũng khiến nhiều loài vật bị đe dọa, nhất là những loài nhạy cảm với âm thanh như cá heo hay cá voi.

Chưa kể đến, hệ thống ống dẫn nước thải đã được cải thiện của London cũng đang đứng trước nguy cơ quá tải. Mỗi khi mưa lớn xảy ra, chúng không còn đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến chất thải sẽ chảy trực tiếp ra sông để tránh ngập trong thành phố.

Tuy nhiên, dù phải đối mặt với không ít vấn đề nhưng Thames vẫn đang là một trong những dòng sông trong đô thị sạch nhất thế giới.

Không có nhiều nơi trên thế giới, người dân có thể thỏa thích vui chơi với những loài vật hoang dã như hải cẩu, cá heo, chim diệc, chim cốc hay chim kịch ngay ở thủ đô.

Thames Water là công ty cấp thoát nước tư nhân, ra đời năm 1989 và đến nay có hơn 5.000 nhân viên. Công ty này chịu trách nhiệm xử lý nước thải và cấp nước sạch cho London và các vùng ngoại ô thuộc Greater London.

Hiện nay, các nhà máy của Thames Water đảm bảo công suất cung cấp 2,6 triệu m3 nước sạch và xử lý 4,4 triệu m3 nước thải mỗi ngày. Doanh thu hàng năm của công ty từ 2014 đến nay đều trên mức 2 tỷ Bảng/năm.

Theo Nông Nghiệp


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Người Anh đem sông Thames từ cõi chết trở về
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.