TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi các ca bệnh nặng và các trường hợp tử vong trên địa bàn, thấy rằng, nhóm nguy cơ tử vong cao tập trung vào trường hợp mắc COVID-19 có bệnh nền, lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền nhưng nằm một chỗ lâu ngày và chưa tiêm vắc xin.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: Quang Huy)
BS Châu đưa ra con số cụ thể về số ca tử vong trong ngày 11/11 là 38 trường hợp (3 trường hợp từ các tỉnh lân cận chuyển lên), trong đó 34 trường hợp có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18 – 50 tuổi là 2 trường hợp; 15 trường hợp tử vong từ 51 – 65 tuổi (39,5%); số ca tử vong trên 65 tuổi là 21 trường hợp (55%).
Về tiền sử tiêm vaccine thì có 20 trường hợp tử vong mà chưa tiêm, trong đó có 12 trường hợp trên 65 tuổi, có bệnh nền, thậm chí có trường hợp nằm một chỗ nhiều năm nay.
Có 2 trường hợp tử vong đã tiêm 1 mũi vaccine; 10 trường hợp tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (cả 10 trường hợp này đều trên 50 tuổi và có bệnh nền).
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố, từ cuối tháng 9 tới nay, số ca bệnh nặng và tử vong ở Thành phố dù có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Hiện nay số trường hợp bệnh nhân phải thở oxy dao động khoảng 1.800 trường hợp; số ca thở máy xâm lấn khoảng 230 đến 250 trường hợp. Số ca tử vong tại Thành phố giảm thấp nhất khoảng 21 trường hợp vào ngày 30/10, nhưng sau đó dao động từ 21 đến khoảng 43 trường hợp mỗi ngày.
Trước thực tế hiện nay, Sở Y tế Thành phố khuyến cáo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhanh chóng phát hiện tất cả người lớn tuổi, chưa tiêm vaccine, động viên người dân tiêm phòng. Ngoài ra, các địa phương và gia đình cần có giải pháp bảo vệ họ, tránh mắc COVID-19.
BS Châu cũng khuyến cáo những người trẻ khi tiếp xúc với bên ngoài nhiều cần thận trọng, tránh mang mầm bệnh về cho người thân, nhất là những người lớn tuổi trong gia đình.
BS Châu nhắc lại, khi so sánh ở nhóm bệnh nhân COVID-19 đã tiêm đủ liều vaccine và nhóm bệnh nhân chưa tiêm, kết quả rõ ràng cho thấy nhóm đã tiêm có tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn rõ rệt. Tuy nhiên, không phải là tiêm đủ 2 mũi vaccine là không nhiễm bệnh, không tử vong.
“Thông thường, trường hợp tử vong do COVID-19 rơi vào nhóm có bệnh nền, cao tuổi. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng, không loại trừ người trẻ tuổi, dù tiêm đủ vắc xin, có thể mắc bệnh nặng và tử vong. Các trường hợp này thuộc nhóm có cơ địa đặc biệt, gây cơn bão Cytokine. Có những người diễn biến rất nặng, dù chạy ECMO cũng không cứu được”, BS Châu cho biết thêm.
Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh, không chủ quan dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Hiện số ca F0 trong cộng đồng có xu hướng gia tăng. Đây là kết quả tất yếu khi Thành phố nới lỏng giãn cách. Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) phối hợp chặt chẽ với địa phương để theo dõi. HCDC cũng gửi đội đặc nhiệm xuống các địa phương, kịp thời ngăn chặn sự gia tăng ổ dịch, cũng như theo dõi F0 bệnh nặng, giảm nguy cơ tử vong.
Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh mong các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng Thành phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về tình hình dịch bệnh, thích ứng an toàn linh hoạt nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tránh chủ quan lơ là.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM khuyến cáo, cộng đồng không nên quá hoang mang, lo lắng bởi khi đã tiêm đủ vắc xin thì nguy cơ tử vong, bệnh nặng đều giảm hẳn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với cách hiểu sai lầm rằng đã tiêm đủ vắc xin sẽ không mắc bệnh và mắc bệnh cũng nguy hiểm đến tính mạng bởi dù tỷ lệ tử vong rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Do đó, người đã tiêm đủ vắc xin tuyệt đối không được chủ quan mà vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và khuyến cáo 5K để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Hồng Anh