Từ ngày 6 đến 13/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện mưa lớn. Mưa to liên tục khiến lũ các sông vượt báo động 3, hơn 135.000 hộ dân bị ngập 0,3-3 m, gần 46.000 người phải sơ tán. 36 người chết (30 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển; 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa tính nạn nhân sạt lở thủy điện Rào Trăng 3); 12 người mất tích.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ ra bốn nguyên nhân khiến miền Trung mưa to.
Từ ngày 6 đến 13/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện mưa lớn
Đầu tiên là hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới (hội tụ của hai đới gió Đông Bắc và Tây Nam) nối từ vịnh Bengal, vắt qua miền Trung Việt Nam và tới Philippines.
Khu vực tồn tại dải hội tụ nhiệt đới thường xuyên duy trì mây đối lưu phát triển, gây mưa giông. Khi có thêm thành phần gió Đông hoạt động mạnh, lượng ẩm tích tụ càng lớn, đồng nghĩa mây đối lưu càng phát triển và mưa giông sẽ nhiều hơn, cường độ lớn, thời gian kéo dài.
Nguyên nhân thứ hai là bão và áp thấp nhiệt đới. Ông Hưởng giải thích dải hội tụ nhiệt đới là chuỗi xoáy thuận nhiệt đới, khi gặp điều kiện thuận lợi như hội tụ gió mạnh, qua vùng nước biển ấm sẽ phát triển thành áp thấp nhiệt đới, sau là bão.
Khoảng 60-70% áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới. Thực tế từ ngày 6/10 đến nay, một áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão (Linfa và Nangka) đi vào miền Trung đều là do dải hội tụ nhiệt đới.
“Riêng hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới đơn thuần đã gây mưa rất lớn. Ví dụ bão Linfa gây mưa phổ biến 500-700 mm, có nơi trên 700 mm, những nơi mưa ít như Nam Hà Tĩnh hay Bắc Tây Nguyên cũng 200-300 mm”, ông Hưởng nói.
Nguyên nhân thứ ba là không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống và liên tục được bổ sung, cùng với gió Đông đưa ẩm vào tạo thành khối ẩm lớn từ mặt đất lên tới 5.000 m, đều tập trung ở miền Trung. Tổ hợp này đã khiến mưa miền Trung nhiều hơn, gây lũ lụt kéo dài.
“Gặp địa hình chắn gió là dãy Trường Sơn, không khí lạnh với đới gió Đông Bắc thổi xuống miền Trung bị chặn lại, tạo ra dòng thăng cưỡng bức mạnh và hệ quả là mưa lớn”, ông Hưởng nói về nguyên nhân thứ tư.
Nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng trên, theo cơ quan khí tượng là tác động của La Nina, xuất hiện từ tháng 7 và dự báo kéo dài đến đầu năm 2021. Trong những năm có La Nina, số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn trung bình, mùa mưa bão cũng kết thúc muộn hơn.
Mai Anh