PV: Xin chào Nhà báo Anh Đức, cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề báo và mảng đề tài môi trường?
NB Anh Đức: Mẹ tôi công tác trong ngành truyền hình nhiều năm, đặc biệt là mảng phóng sự điều tra nên đã truyền cho tôi “lửa nghề”. Hồi mẹ còn công tác, nhiều lần bị nhắn tin, gọi điện đe dọa vì đang thực hiện loạt phóng sự điều tra, động chạm đến nhiều “nhóm lợi ích” và “dân xã hội” cũng khiến tôi cảm thấy sợ. Tuy nhiên, sự bình tĩnh của mẹ trước những chiêu trò đó khiến tôi có thêm nhiều động lực để dấn thân vào nghề báo.
Trải qua 15 năm làm nghề, trong đó công tác tại kênh truyền hình Nhân Dân đã sang năm thứ 6, tôi đặc biệt quan tâm và theo dõi về lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững. Bởi vấn đề môi trường tại Việt Nam đang rất nóng và được dư luận quan tâm, có thể thấy rõ qua phần trả lời chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội.
Theo dõi các đề tài môi trường mới thấy việc phát triển kinh tế cần gắn với giữ gìn môi trường. Báo chí đóng vai trò quan trọng nhằm tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bên cạnh đó là phản ánh những tác động xấu của phát triển kinh tế lên môi trường, để thấy muốn phát triển bền vững thì kinh tế cần gắn liền với bảo vệ môi trường. Trong vài năm chúng ta có thể xây dựng hàng trăm nhà máy, các công trình thủy điện lớn nhưng phải mất hàng trăm năm mới có thể khôi phục được một khu rừng hay một hệ sinh thái. Không có sự tốn kém nào lớn hơn sự mất mát về môi trường. Đây là động lực để tôi tiếp tục theo dõi, gắn với mảng đề tài này.
Nhà báo Anh Đức – Truyền hình Nhân dân, Báo Nhân dân
PV: Trong nhiều năm làm báo về đề tài môi trường, anh muốn chia sẻ gì đến những độc giả của mình?
NB Anh Đức: Là nhà báo tất nhiên tôi phải làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ phản ánh sự thật, đưa những điều tôi được nhìn, được nghe lên màn hình để nhân dân, chính quyền và các cơ quan quản lý thấy thực trạng môi trường một cách khách quan nhất, trung thực nhất. Nhiều nhà báo lựa chọn con đường đấu tranh, dấn thân điều tra những vi phạm về môi trường, có người lựa chọn tuyên truyền nêu gương nhằm lan tỏa các thông điệp, hoạt động về bảo vệ môi trường. Mỗi phóng viên, nhà báo sẽ có lựa chọn phù hợp với tiêu chí của cơ quan báo chí cũng như với lương tâm của mình.
Một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Đối với Truyền hình Nhân Dân, muốn phóng sự được phát sóng, tôi và ê-kíp phải tìm hiểu thông tin từ nhiều phía, và cung cấp thông tin đa chiều, mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và liên hệ với các bên liên quan nhằm tìm ra những thông tin cần thiết. Từ đó các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương hay người dân sẽ có thông tin đầy đủ, đa chiều để nhận định được vấn đề.
Tôi mong những người dân, bạn đọc có thể hiểu và thông cảm với những người làm báo chí. Bởi phóng viên, nhà báo chỉ nêu lên được thực trạng xã hội, phản ánh tiếng nói của nhân dân một cách trung thực, khách quan nhất. Còn trách nhiệm kiểm tra, xử lý thông tin đó là trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Đã có nhiều trường hợp sau khi tôi làm phóng sự theo phản ánh của người dân về một doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường và được phát sóng nhưng sau đó chính quyền địa phương chậm trễ vào cuộc xử lý khiến người dân càng thêm bức xúc. Có người còn nhắn tin hỏi tôi đã nhận “quà” của doanh nghiệp phải không? Thực sự rất chạnh lòng.
PV: Ngành nghề nào cũng không tránh khỏi những cạm bẫy, cám dỗ, nghề báo cũng vậy, quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
NB Anh Đức: Đúng là ngành nghề nào cũng có những mặt tối. Nhưng nếu chúng ta đủ bản lĩnh, suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi quyết định thì chắc chắn sẽ không bị sa ngã. Không nên trách xã hội nhiều cám dỗ mà nên tự trách bản thân không vượt qua được những cám dỗ đó.
Lĩnh vực môi trường có nhiều vấn đề tiêu cực, bởi trước đây chúng ta phát triển kinh tế nóng, nhiều địa phương sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để lấy phát triển kinh tế, dẫn đến nhiều hậu quả ảnh hưởng đến môi trường nói chung và môi trường sống của người dân nói riêng. Các doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để “lấp liếm” đi trách nhiệm bảo vệ môi trường, không tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.
Tôi đã gặp những trường hợp về địa phương ghi nhận và phản ánh thực tế bị đe dọa, hay sử dụng tiền để mua chuộc. Để thoát khỏi những phiền phức này tốt nhất là phải bình tĩnh, từ tốn và từ chối rất rõ ràng. Phóng viên, nhà báo không phải là người phán xử, mà đơn giản là người truyền tải thông tin một cách tử tế. Quan điểm là những sai phạm nếu không sớm khắc phục thì nó sẽ càng làm tăng thêm những hậu quả khôn lường về môi trường và đời sống của nhân dân. Thay vì che dấu, hãy đưa ra giải pháp để phát triển theo hướng bền vững.
Nhà báo Anh Đức và đồng nghiệp tác nghiệp tại bãi xử lý rác thải
PV: Anh vừa nhắc đến khái niệm truyền tải thông tin một cách tử tế, vậy tử tế ở đây là gì?
NB Anh Đức: Đơn giản thôi, cung cấp thông tin chính xác, đa chiều, không nhận xét hay đưa cảm xúc cá nhân vào vấn đề và luôn đặt lợi ích của quốc gia, nhân dân lên trên hết. Nói là đơn giản nhưng không hề đơn giản, bản thân tôi hay những người làm báo đều phải tự trao dồi kiến thức, tự rút kinh nghiệm nhiều lần qua quá trình tác nghiệp và cái gọi là “đạo đức báo chí” phải được đặt lên hàng đầu. Báo Nhân Dân hay các Cơ quan báo chí khác thì đều phải thượng tôn pháp luật, hoạt động theo tôn chỉ mục đích. Tôi biết có rất nhiều phóng viên, nhà báo ở các tờ báo, tạp chí khác đều là những nhà báo tử tế đang hàng ngày cung cấp những thông tin, hơi thở của cuộc sống đến bạn đọc và người dân.
Ở Truyền hình Nhân Dân, tôi được lãnh đạo giao hướng dẫn nhiều sinh viên báo chí vào thực tập. Sức trẻ là một yếu tố quan trọng giúp các sinh viên nhanh chóng tiếp thu, vận dụng cách tác nghiệp báo chí cả ở trong trường quay và ngoài thực tế. Tuy nhiên, tôi luôn phải nhắc nhở các bạn trẻ nếu muốn gắn bó lâu dài với nghề báo, muốn được xã hội và mọi người công nhận thì phải học cách làm báo tử tế.
Tôi muốn gửi đến các độc giả của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là hãy tin tưởng vào các cơ quan báo chí, hãy dũng cảm nói lên những tiêu cực về ô nhiễm môi trường. Các phóng viên, nhà báo tử tế chắc chắn sẽ đồng hành cùng người dân để lên án những tiêu cực, bảo vệ môi trường sống và hệ sinh thái của chúng ta. Chúc cho Ban Biên tập và các đồng nghiệp ở Tạp chí Môi trường và Cuộc sống luôn mạnh khỏe, đóng góp nhiều hơn những tiếng nói phản biện về vấn đề môi trường, nước sạch, chống biến đổi khí hậu, cùng chung tay xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam một cách bền vững.
PV: Xin cảm ơn Nhà báo Anh Đức đã dành thời gian chia sẻ với độc giả của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống. Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2021), chúc anh luôn mạnh khỏe, bút sắc lòng trong, tiếp tục đóng góp nhiều tiếng nói về vấn đề môi trường giúp ích cho người dân và xã hội.
Thế Đoàn