Nhà báo Trần Tam Điệp: “Xông vào điểm nóng để dòng tin luôn chảy mãi…”

Thu Hà|22/06/2021 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Là một nhà báo trẻ, bằng lòng yêu nghề, dám xông pha, không quản ngại vất vả, gian nan, sẵn sàng tác nghiệp tại “điểm nóng” để dòng tin luôn chảy mãi. Đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi về anh – Nhà báo Trần Tam Điệp. Anh hiện đang công tác tại  kênh VTC1 – Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Xuất thân từ một cử nhân kinh tế nhưng sau đó anh lại thành công trong lĩnh vực báo chí. Kể về hành trình đến với nghề báo, nhà báo Trần Điệp chia sẻ: Trước đây tôi học ngành Kinh tế đầu tư của Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi ra trường, không biết số phận sao lại đưa đẩy tôi đến với nghề báo.

Ngày đó, khi được giới thiệu vào VTC1 tôi chỉ nghĩ, mình muốn thử sức với 1 công việc hoàn toàn mới. Nhưng khi được dìu dắt bởi những nhà báo truyền hình giỏi và có tâm đã giúp tôi trưởng thành và có được những thành công nhất định như ngày hôm nay, nhà báo Trần Điệp tâm sự.

Nhà báo Trần Tam Điệp – Kênh VTC1, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC

Sống trọn khoảnh khắc tại tâm dịch nóng nhất cả nước

Những ngày qua, trên tuyến đầu của “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, cùng với các lực lượng y tế, công an, quân đội… những “chiến sĩ” thông tin trên mặt trận chống dịch của cả nước luôn sẵn sàng hành trang, để lên đường làm nhiệm vụ bất kể thời gian nào, với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Mong muốn lớn nhất của họ là đem đến những thông tin nhanh chóng, chính xác, trung thực, kịp thời về tình hình, diễn biến dịch bệnh, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, nguy cơ cao về bùng phát dịch bệnh, đến với công chúng. Và tôi cũng vậy.

Có mặt tại điểm nóng nhất – Bệnh viện Nhiệt đới TW trong đợt dịch lần thứ 2 với tôi “Đó là những tháng ngày không thể nào quên”. Khi đợt dịch Covid – 19 lần thứ 2 chính thức bùng phát. Tôi nhận nhiệm vụ cùng một ê-kíp chính thức “dọn vào” Bệnh viện Nhiệt đới TW để ghi nhận một cuộc sống đặc biệt của các y, bác sĩ trong 14 ngày. Vốn là phóng viên theo dõi mảng môi trường nên đứng trước một nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm, tôi và đồng nghiệp không tránh khỏi lo lắng. Nhưng vượt qua sự lo lắng ấy, nhiều thông điệp, nhiều câu chuyện cảm động đã được truyền đi đầy ấn tượng.

14 ngày sống tại đây chúng tôi đã chứng kiến và ghi nhận lại những hình ảnh các y, bác sĩ làm việc hết công suất thay cho những y, bác sĩ khác đang cách ly tại nhà, thay cả người nhà bệnh nhân.

Có lẽ, một kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất đó là khi bệnh nhân số 19 – bệnh nhân đầu tiên rơi vào tình trạng nguy kịch, lúc này các y, bác sĩ tập trung dồn sức để cứu. Chúng tôi, những chiến sĩ trên mặt trận thông tin đứng ngoài quan sát theo dõi nhưng cũng rất hồi hộp. Có chút gì đó thấp thỏm, mong sao cho tình hình của bệnh nhân đó có thể tiến triển một cách tốt nhất. Đến khi nhận được tin bệnh nhân ổn định thì ai cũng thở phào, nhẹ nhõm, anh Điệp tâm sự

Khi dịch bệnh xảy ra, bên cạnh các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu, thì những người làm truyền thông, báo chí cũng có thể coi là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Nhưng có thể nói, tôi là một người may mắn khi có được “hậu phương” cùng nghề và cùng theo mảng y tế nên hiểu được tính chất công việc, cùng chia sẻ và cùng giúp nhau trong công việc hàng ngày.

Nhà báo Trần Tam Điệp tác nghiệp cùng đồng nghiệp tại tâm dịch Bệnh viện Nhiệt đới TW

Dấn thân với những tác phẩm điều tra

Trong hành trình tác nghiệp điều tra về môi trường, kí ức của nhà báo Trần Điệp còn in dấu nhiều kỉ niệm. Anh chia sẻ: Trong sự nghiệp của tôi, có nhiều chuyến công tác đáng nhớ, nhưng đáng nhớ nhất là lần đi công tác thực hiện điều tra liên quan đến vụ việc “vàng tặc” tại Thái Nguyên vào năm 2009. Đó là sự kiện mà một ekip phóng viên trẻ lần đầu tiên phải đối mặt với những áp lực của công việc làm báo điều tra.

Khi ở ngoài thì mình xông pha, nhưng khi vào đến rừng mới thấy mức độ nguy hiểm tăng lên theo từng giờ. Nhưng không phải vì thế mà mình nản chí. Lúc này, với độ máu nghề và mong muốn đưa những mảng tối, những góc khuất ra ánh sáng nên chúng tôi không ngần ngại.

Một tình huống khác để lại nhiều dấu ấn nhất trong quá trình thực hiện loạt bài phóng sự điều tra, phản ánh về vấn nạn “buôn người” trái phép sang Trung Quốc. Để thực hiện hoạt bài này, tôi đã có những chuyến tác nghiệp tại Trung Quốc. Tại nơi đất khách quê người tôi đã phải tự mình “bươn trải” tìm kiếm thông tin. Thật may, tất cả quá trình điều tra đó đã không bị phát lộ…

Có thể nói làm báo điều tra thì muôn vàn khó khăn nhưng khi đối diện với những khó khăn, sự kiện nóng, tôi không có nhiều thời gian để phân vân: Nên hay không nên làm. Lúc đó, mục tiêu chính là khám phá điều gì đang diễn ra, và cần phải tìm thấy câu trả lời. Chỉ sau khi thực hiện xong, phát sóng, áp lực lúc đó mới bắt đầu đến, lúc đó nghĩ lại, đúng là có chút băn khoăn. Khi người ta có thời gian lắng lại, mới có thể nghĩ và do dự. Nhưng như nhiều nhà báo khác, khi đã say nghề, người ta thường không nghĩ nhiều. Khi làm điều tra, nhà báo góp phần công sức của mình vào việc khám phá những vấn đề nóng, hấp dẫn. Với tính cách thích khám phá những điều mới lạ, thích làm những công việc mạo hiểm nên tôi thích mảng này. Tất nhiên, là cũng phải thực sự biết hi sinh, đối mặt với những khó khăn, gian khổ khi làm điều tra… Tôi nhận được vô vàn tin nhắn, cuộc gọi đe dọa. Nhưng bù lại, những vụ việc đó được sáng tỏ, người dân biết thông tin, lực lượng chức năng có thêm cơ sở điều tra, và mình góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn…, nhà báo Trần Điệp tâm sự.

Qua những câu chuyện kể của nhà báo Trần Điệp đã phần nào cho thấy những khó khăn, gian khổ, thậm chí là cả sự hy sinh của những người làm báo, họ sẵn sàng lao vào hiểm nguy để kiếm tìm sự thật nhằm đem lại sự công bằng cho xã hội, đảm bảo pháp luật được thực thi. Đó là những điều mà những người làm báo luôn mong muốn sự sẻ chia của xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021), mình gửi lời chúc mừng tới các nhà báo, phóng viên đồng thời mong muốn, các nhà báo cũng như các cơ quan báo chí hiện nay nối tiếp được truyền thống 96 năm của nền báo chí cách mạng, cùng nhau phấn đấu xây dựng một nền báo chí vừa hiện đại, vừa chuyên nghiệp, nhân văn.

Chúc cho anh trong thời gian tới sẽ làm được nhiều phóng sự hay, ý nghĩa, thiết thực hơn nữa để góp phần cho sự phát triển ngành báo chí nước nhà.

Thu Hà

Bài liên quan
  • Nhà báo không phải là “Người phán xử”
    Moitruong.net.vn – Đó là quan điểm của Nhà báo Hoàng Anh Đức đang công tác tại Truyền hình Nhân Dân – Báo Nhân Dân khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về nghề báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Trần Tam Điệp: “Xông vào điểm nóng để dòng tin luôn chảy mãi…”