(Moitruong.net.vn) – Người dân tỉnh Gia Lai rất lo lắng vì nước thải y tế ngấm vào nước ngầm sẽ rất nguy hại tới sức khỏe, nhất là với những hộ còn sử dụng nước giếng.
Nhà máy xử lý chất thải y tế dạng rắn của Bệnh viện huyện Chư Sê (đốt cháy) còn hoạt động nhưng bị người dân tố gây mùi hôi rất khó chịu
Tình trạng xả thải ô nhiễm tại các cơ sở y tế của tỉnh Gia Lai đã đến mức đáng báo động. Đáng chú ý, dù tình trạng ô nhiễm đã được ngành chức năng cảnh báo nhưng không những không được khắc phục mà ô nhiễm còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Có nơi, trong khi nhà máy xử lý nước thải “đắp chiếu”, nước thải y tế vô tư xả vào lòng đất.
Trung tâm y tế huyện Chư Sê được xem là bệnh viện tuyến huyện lớn nhất của tỉnh Gia Lai với 8 khoa và 100 giường bệnh. Bình quân mỗi ngày, Bệnh viện tiến hành khám chữa bệnh, điều trị cho khoảng 400 người. Quy mô là vậy nhưng toàn bộ chất thải dạng lỏng của bệnh viện đều không qua xử lý, thải trực tiếp xuống những hầm rút, đào tự phát dưới lòng đất.
Trong khi đó, Bệnh viện huyện Chư Sê lại nằm sát với khu dân cư xung quanh của thị trấn Chư Sê. Nhiều nhà dân chỉ cách bệnh viện từ 15-20m. Người dân nơi đây rất lo lắng vì nước thải y tế ngấm vào nước ngầm sẽ rất nguy hại tới sức khỏe, nhất là với những hộ còn sử dụng nước giếng.
Bà Nguyễn Thị Đào, Tổ dân phố 7, Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nói: “Nhà tôi cách sau lưng bệnh viện 15m. Từ lâu rồi đã nghe bệnh viện họ đào những cái hầm rút. Bây giờ cũng mong muốn làm sao các cơ quan chức năng có biện pháp để cho nguồn nước sạch cho bà con yên tâm. Thứ hai, ở bệnh viện làm gì mà xử lý chất thải là thường xuyên về tầm chiều, nó có mùi khét ghê gớm lắm, không chịu được”.
Trong khi toàn bộ nước thải y tế đều xả ra các hầm rút được đào tự phát trong khuôn viên bệnh viện thì nhà máy xử lý nước thải lỏng y tế của Bệnh viện Chư Sê lại đóng cửa, không hoạt động suốt nhiều năm nay.
Ông Trương Minh Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chư Sê cho biết, bệnh viện đã được đầu tư hai nhà máy xử lý chất thải dạng rắn và lỏng hơn 7 năm trước.
Khu vực có nhiều hầm rút chứa chất thải y tế của Bệnh viện huyện Chư Sê
Trong đó, nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại (đốt cháy) mỗi tuần hoạt động 1-2 lần. Còn nhà máy xử lý chất thải lỏng thì chưa hoạt động ngày nào. Nguyên nhân là vì công tác đầu tư không đồng bộ, thiếu hệ thống dẫn nước thải từ các khoa, phòng vào nhà máy xử lý. Bệnh viện cũng đã nhiều lần làm tờ trình xin đầu tư, khắc phục tình trạng này, nhưng đến nay, nhà máy xử lý vẫn “đắp chiếu”. Bệnh viện phải đào hàng chục hầm rút để thải nước thải y tế.
Ông Trương Minh Cẩn nói: “Trước đây, năm 2010 thì cũng có dự án đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải lỏng. Nhưng mà hiện tại, chúng tôi chỉ có được nhà vận hành xử lý chứ còn hệ thống thu gom chất thải lỏng từ các khoa phòng về thì hiện tại không có cho nên rất khó khăn. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn sử dụng bằng biện pháp là đào hầm rút. Trước đây trực thuộc UBND huyện thì chúng tôi cũng đã có tờ trình xin đầu tư, nhưng sau 2012 bàn giao về Sở Y tế thì chúng tôi cũng đã có tờ trình gửi Sở Y tế”.
Theo Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Gia Lai, Bệnh viện huyện Chư Sê chỉ là một trong số hàng loạt các cơ sở y tế trên địa bàn phát hiện ra có sai phạm trong xử lý chất thải y tế. Một số huyện như Krông Pa, Chư Prông thậm chí còn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nhiều huyện, thị xã và cả thành phố Pleiku đều có các cơ sở y tế vi phạm khi xử lý chất thải rắn không đúng quy định, xử lý nước thải y tế chưa đảm bảo. Đáng chú ý, những sai phạm này đã kéo dài nhiều năm dù đã được nhắc nhở, cảnh báo.
Thượng tá Đỗ Hùng Liêm, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Nước thải từ các khoa, phòng ở một số cơ sở y tế không qua xử lý mà thải trực tiếp xuống hầm rút. Như vậy, đã gây ô nhiễm môi trường ở thể đất và đặc biệt là nguồn nước ngầm. Tình trạng này đã diễn ra lâu rồi. Cảnh sát cũng đã có văn bản kiến tới các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý tình trạng này. Nhưng mà đến nay, việc khắc phục tình trạng này vẫn chưa thực hiện”.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai diễn ra đầu tháng 7 này, vấn đề xả thải ô nhiễm của các cơ sở y tế đã được nêu ra tại phiên chất vấn. Đáng chú ý, theo đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, không những để sai phạm kéo dài nhiều năm, ngành y tế còn để phát sinh thêm những sai phạm mới trong xử lý chất thải. Đây là vấn đề rất đáng báo động và cần thiết có sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Gia Lai để khắc phục tình trạng xả thải ô nhiễm tại các cơ sở y tế.
Theo vov