Nhiệt điện than ở Việt Nam (Bài 3): Cần cơ chế xử lý các vấn đề về tro xỉ

Quốc Đạt|05/11/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiệt điện than có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và khó có thể tìm được nguồn khác thay thế tại Việt Nam trong nhiều năm tới. Vì vậy, cần cơ chế để xử lý các vấn đề về tro xỉ và đảm bảo môi trường.

Xỉ than từ nhà máy nhiệt điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong số 15,8 triệu tấn tro xỉ mà các nhà máy phát thải ra hàng năm, hiện mới chỉ xử lý và tiêu thụ được khoảng 4 triệu tấn. Trong đó, EVN xử lý được khoảng 3 triệu tấn; số còn lại vẫn tồn trữ, chôn lấp ở các bãi thải xỉ.

Nếu tính cộng dồn cả lượng tồn trữ cũ, đến nay khối lượng tại các bãi chứa phải lên đến hơn 20 triệu tấn. Theo dự đoán của EVN, con số này năm 2018 sẽ là 61 triệu tấn, đến năm 2020 sẽ vọt lên tới 109 triệu tấn và lần lượt chạm mốc 248 triệu tấn, 422 triệu tấn vào các năm 2025, 2030.

Việc tồn dọng khối lượng lớn xỉ thải không được xử lý như vậy đã làm nảy sinh rất nhiều vấn đề, cả về kinh tế cũng như môi trường. Rõ ràng nhất là việc tồn đọng khối lượng lớn như vậy sẽ cần có bãi chứa thải, kéo theo đó là những tác động đến môi trường xung quanh bãi chứa.

Ngoài ra, nếu không đủ bãi chứa, các nhà máy nhiệt điện này còn có thể phải dừng sản xuất.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh)

Đây được cho là áp lực chính khiến các nhà máy cùng cơ quan nhà nước phải tìm giải pháp xử lý xỉ than. Vì hiện tại, nguồn điện từ nhiệt điện đang rất quan trọng đối với mạng lưới điện quốc gia.

Cụ thể, nhiệt điện than có khả năng huy động công suất lớn, trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025.

Thiếu chỗ chứa tro, xỉ

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến cuối năm 2017, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện trong cả nước lên tới 12,2 triệu tấn, trong khi mới chỉ xử lý được khoảng 4 triệu tấn.

Lượng tồn kho lên đến hơn 20 triệu tấn. Do vậy, trong vài năm tới, nếu không có giải pháp giải quyết đồng bộ, nguy cơ lượng tro, xỉ gia tăng tới mức không còn chỗ để chứa.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đơn vị đang sở hữu và vận hành 12 nhà máy nhiệt điện than. Tổng khối lượng than sử dụng khoảng 34 triệu tấn/năm, có lượng tro, xỉ trung bình là 8,1 triệu tấn/năm.
Hầu hết các đơn vị đã tìm và ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro xỉ từ các nhà máy. Điển hình các nhà máy Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hết toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy. Lượng tro xỉ hiện nay chủ yếu được tái sử dụng làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Anh Tuấn, Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, tại nhiều khu vực như: Quảng Ninh và phía Nam, các nhà máy nhiệt điện vẫn gặp khó trong xử lý tro xỉ, khối lượng tro, xỉ được tiêu thụ vẫn chưa đáng kể.

Tổng khối lượng tro, xỉ hiện nay đang còn lưu giữ tại các nhà máy điện là gần 15 triệu tấn; trong đó, các nhà máy có khối lượng tro, xỉ lớn là Quảng Ninh (4,8 triệu tấn), Vĩnh Tân (3,9 triệu tấn), Duyên Hải (1,8 triệu tấn), Mông Dương 1 (1,7 triệu tấn).
Đại diện nhiều doanh nghiệp tiêu thụ tro, xỉ dù thừa nhận ưu điểm của tro xỉ trong sản xuất gạch không nung, vật liệu xây dựng, song đến nay, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sử dụng nguồn vật liệu này.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP Sông Đà Cao Cường bày tỏ, tại các nước như Nhật Bản đã sử dụng 100% từ tro xỉ; Trung Quốc, Malaysia cũng sử dụng khoảng 80%.

Còn ở Việt Nam, Chính phủ đã có Quyết định 567 ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình Phát triển Vật liệu xây không nung đến năm 2020; trong đó, hạn chế vật liệu nung, khuyến khích phát triển vật liệu không nung.
“Nhưng 8 năm qua, từ năm 2010 doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đón đầu, tuy nhiên kết quả chưa đáng là bao. Một trong những nguyên nhân do nguồn tro xỉ không có chỉ dẫn và hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn quy định đây là vật liệu nguy hại.

Vì vậy, khi xuất lô hàng, kiểm tra mỗi container mất rất nhiều chi phí để test mẫu”, đại diện Công ty CP Sông Đà Cao Cường nói.

Cần giải pháp xử lý và tiêu thụ tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Thanh Tuyền, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Thanh Tuyền cho hay, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động với công suất khoảng 80 triệu viên/năm.

Năm nay, dự kiến công ty sử dụng trên 360.000 tấn tro xỉ và tới năm 2019 sử dụng trên 600.000 tấn. Nhưng hiện vẫn chưa có chỉ dẫn rõ về sản phẩm này, khiến doanh nghiệp khó khăn khi tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.

Chờ cơ chế xử lý tro xỉ

Tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở các nước là nguyên liệu quý phục vụ sản xuất gạch, xi măng còn ở Việt Nam lại bị coi là chất thải, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường…

Theo Phó Giáo sư, TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng nhìn nhận tro xỉ là chất độc hại thì không đúng mà phải coi nó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất phục vụ xây dựng.

Nguồn nguyên liệu này lâu nay không được doanh nghiệp xử lý để tái sử dụng được đồng nghĩa chúng ta đã gây ra lãng phí. “Ninh Bình trước đây bị coi là tâm điểm gây ô nhiễm nay giờ đi vào nhà máy nằm ở ngay trung tâm Ninh Bình mọi thứ đều sạch sẽ, không có ai kêu ca về tro sỉ nữa.

Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có cách thức như nào đó để yêu cầu tất cả các nhà máy nhiệt điện phối hợp trong việc tái sử dụng tro bay, có thể quy định bằng pháp lệnh để ràng buộc chứ không phải doanh nghiệp thích thì làm, không thì thôi như hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng An toàn sức khỏe và Môi trường (Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), cũng cho hay Nhiệt điện Vũng Áng gần đây đã phải đình lại việc cung cấp tro xỉ và số lượng tồn kho đã lớn. Giờ nếu không cho vận chuyển sẽ có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy. “Các bộ, ngành cần sớm xem xét và tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để giải phóng lượng chất thải đang bị tồn” – ông Thanh nói.

Tích cực gỡ khó

Để đảm bảo việc an ninh năng lượng và công tác bảo vệ môi trường của các NMNĐ, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trên cơ sở đó, tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về bảo vệ môi trường tro, xỉ, thạch cao PG. Trong đó, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý, xử lý và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng từ tro, xỉ, thạch cao. “Xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội trong việc phát triển nhiệt điện nhằm đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng gắn với công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý, xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao từ các NMNĐ”- báo cáo nêu rõ.

Để phát triển các dự án nhiệt điện than cần lựa chọn công nghệ hiện đại (hiệu suất cao, phát thải thấp) và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, có các giải pháp để đảm bảo yêu cầu về an toàn môi trường đáp ứng quy định. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu chủ đầu tư các NMNĐ than thực hiện nghiêm các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn môi trường.

Quốc Đạt

Bài liên quan
  • Nhiệt điện than ở Việt Nam (Bài 2): Những tác động tới môi trường
    Moitruong.net.vn – Theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh (QHĐ VII Điều chỉnh), đến năm 2030 nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Lượng than dự báo cần tiêu thụ cho điện là 120 triệu tấn mỗi năm, trong đó khoảng hơn 80 triệu tấn phải nhập khẩu. Hướng đi này sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho an ninh năng lượng quốc gia và sức khỏe của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệt điện than ở Việt Nam (Bài 3): Cần cơ chế xử lý các vấn đề về tro xỉ