WMO kêu gọi toàn cầu thích nghi với nắng nóng cực đoan kéo dài
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo rằng thế giới cần học cách "sống chung" với các đợt nắng nóng cực đoan và kéo dài, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với nhiệt độ cao kỷ lục giữa mùa hè.
Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Clare Nullis – người phát ngôn của WMO cho biết tháng 7 vốn là tháng nóng nhất trong năm ở Bắc bán cầu, nhưng đợt nắng nóng cực đoan năm nay đến sớm bất thường, mặc dù không phải chưa từng có tiền lệ. Hệ thống áp suất cao đang khiến nhiệt nóng từ Bắc Phi bị giữ lại tại Tây Âu, gây nên nền nhiệt gay gắt. Đồng thời, nhiệt độ mặt nước biển ở Địa Trung Hải cũng đang tăng cao bất thường, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng nắng nóng trên đất liền. Tại các đô thị, hiện tượng đảo nhiệt do thiếu cây xanh và mặt bằng bê tông hấp thụ nhiệt đang làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.

Theo WMO, nắng nóng cực đoan thường được xem là "kẻ giết người thầm lặng", bởi số liệu tử vong thường không được ghi nhận đầy đủ trong thống kê chính thức. Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xuất hiện thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn. Vì vậy, WMO nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hệ thống cảnh báo sớm và các kế hoạch hành động nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng lưu ý rằng nắng nóng không nhất thiết phải trở thành một thảm họa nếu có sự chuẩn bị và hành động kịp thời.
Hiện nhiều quốc gia ven Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Hy Lạp, Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chống chọi với tình trạng nắng nóng kéo dài, gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng và nguy cơ cháy rừng gia tăng.
Tại Pháp, chính quyền Paris đã kéo dài tình trạng báo động đỏ do nắng nóng vào ngày 1/7. Điều này dẫn đến việc đóng cửa đỉnh Tháp Eiffel, cấm xe gây ô nhiễm và hạn chế tốc độ phương tiện. Gần 1.350 trường học trên toàn quốc phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần gấp đôi so với ngày hôm trước.
Tại Ý, 17 thành phố bao gồm Rome, Milan, Verona và Palermo đã được đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ. Ở Croatia và Montenegro, khu vực ven biển Adriatic cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Riêng tại tỉnh Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ), hơn 50.000 người đã được sơ tán do cháy rừng bùng phát mạnh bởi gió giật tới 120 km/h.
Tại Brussels (Bỉ), công trình biểu tượng Atomium cũng đã buộc phải đóng cửa trong ngày 1/7 do nhiệt độ tăng lên gần 37 độ C.