Nhiệt điện than ở Việt Nam (Bài 4): Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trọng Nhân|06/11/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững, đã đến lúc chúng ta cần sửa đổi một số Nghị định theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận và xử lý, tái chế tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than.

Theo Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới, thủy điện là nguồn năng lượng sạch và rẻ, có đóng góp quan trọng trong ngành điện Việt Nam suốt một thời gian dài, nhưng hiện nay, trữ lượng thủy điện không còn nhiều. Ngoài ra, điện mặt trời, điện gió sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên chỉ đóng góp được 3-4 tỷ kWh so với nhu cầu khoảng 241 tỷ kWh năm 2019, chi phí lắp đặt cao, lại phụ thuộc vào số giờ nắng trong năm.

Với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhiệt điện than vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý.

Nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được cho là thân thiện với môi trường, nhưng hiện tại, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 45%, còn 55% phải nhập khẩu, hơn nữa, giá điện khí đắt, chi phí bảo dưỡng, vận hành lại cao gấp 2 lần điện than. Do vậy, với tiềm lực kinh tế của Việt Nam, trong tương lai, nhiệt điện than sẽ vẫn giữ vị trí chính yếu cung cấp năng lượng điện cho hệ thống điện quốc gia do chi phí đầu tư và sản xuất rẻ.

Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, việc đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định, lâu dài phục vụ sản xuất điện chính là vấn đề ưu tiên cần nhanh chóng tìm ra biện pháp giải quyết.

Về nguồn cung: Theo khảo sát của TKV, các nước có khả năng xuất khẩu than cho Việt Nam gồm Úc, Indonesia, Nam Phi và Nga… đều là những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới và đều có giao thương kinh tế với Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam đang tập trung vào các thị trường Úc, Indonesia do hai nước này có hệ thống vận tải thuận tiện nên chi phí không cao. Úc có hệ thống vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường biển và hệ thống băng chuyền; có 9 cảng biển phục vụ cung cấp than tập trung tại New South Wales và Queensland với cơ sở hạ tầng được đánh giá tốt và có khả năng tiếp nhận tàu capsize. Indonesia dùng phương thức vận chuyển than từ mỏ ra cảng xuất bằng xà lan đường sông; có 22 cảng xuất khẩu than, cảng lớn nhất có thể tiếp nhận tàu capesize. Còn về dài hạn, Việt Nam có thể mở rộng thị trường nhập khẩu sang Nga, Nam Phi…

Về cơ sở hạ tầng: Việt Nam cần chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ gồm: Hệ thống cảng biển lớn cùng các kho bãi, trung tâm chế biến, pha trộn than và hệ thống vận tải. Để phục vụ việc nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện than với sản lượng dự kiến, yêu cầu ít nhất phải có 1 cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn 100.000 DWT đưa vào sử dụng để có thể giảm chi phí nhập khẩu than cho các nhà máy điện.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 đề ra định hướng là: Cải tạo, xây dựng mới các cụm cảng tập trung có quy mô, công suất lớn với thiết bị rót hiện đại; từng bước xóa bỏ dần các bến nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; Xây dựng mới, đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hiện có đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, nâng cao năng lực vận chuyển đường sắt, đường sông nội địa trên toàn quốc để vận chuyển than từ các cảng đến các nhà máy nhiệt điện, hạn chế vận chuyển đường bộ nhằm tránh tác động đến môi trường.

Việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than cần được quan tâm chú trọng và đầu tư mạnh mẽ, có bài bản. Bởi, các nhà máy nhiệt điện than hiện đại có hiệu suất cao, suất tiêu hao than thấp, gây ô nhiễm ít hơn các nhà máy nhiệt than có kiểu thiết kế cũ nhờ các công nghệ lọc khí thải mới. Không ham rẻ mua công nghệ lạc hậu để không phải đánh đổi bằng suất tiêu hao than cao và ô nhiễm lớn.

Về vấn đề môi trường: Thực tế cho thấy, các nhà máy bán được tro, xỉ đều kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, các bộ, ngành cần phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt“Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”. Đến năm 2020 đối với tro, xỉ nhiệt điện như sau: Làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng khoảng 14 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất clanhke xi măng khoảng 8 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất gạch đất sét nung khoảng 7 triệu tấn; làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê tông và gạch không nung khoảng 2 triệu tấn; làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 25 triệu tấn.

Với chất thải khí, cần đồng bộ hệ thống xử lí khí thải ở tất cả các nhà máy nhiệt điện than. Đầu tư công nghệ lò hơi thông số cao hơn (SC, USC) nhằm nâng cao đáng kể hiệu suất chu trình phát điện, đồng thời tiêu thụ nhiên liệu than sẽ giảm tương ứng, dẫn đến giảm được cả phát thải khí (bụi, SO2, NOx, CO2) cũng như chất thải rắn (tro, xỉ). Bên cạnh đó, chuyển đổi nhiên liệu than sang loại chất lượng tốt hơn, hoặc xem xét áp dụng trộn than để nâng cao hiệu quả sản xuất điện, áp dụng công nghệ đốt than phát thải thấp (Low-NOx), tiên tiến cho hệ thống đốt cháy than bột cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát phát thải NOx.

Để đảm bảo việc phát triển NĐT gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà máy NĐT có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường của nhà máy. Trong đó cần tập trung:

Thứ nhất: Sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” theo Khoản 5 Điều 32 để các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận và xử lý, tái chế tro, xỉ của nhà máy NĐT.

Thứ hai: Sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Làm cơ sở để quản lý chất lượng các loại tro, xỉ cũng như việc sử dụng các loại tro, xỉ cho các mục đích khác nhau.

Thứ ba: Sửa đổi QCVN 22:2009/BTNMT phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy và đảm bảo lộ trình áp dụng Quy chuẩn phù hợp với các nhà máy NĐT.

Thứ tư: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

Trước mắt, các cơ quan chức năng cần rà soát Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh để có kế hoạch và lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện hoạt động kém hiệu quả, công nghệ lạc hậu, phát thải lớn… Song song với các biện pháp khắc phục nhược điểm của nhiệt điện than, về lâu dài, Việt Nam vẫn cần có chính sách, chiến lược và kế hoạch đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sinh khối… để giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tránh các tác hại đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiệt điện than ở Việt Nam (Bài 4): Giải pháp tháo gỡ khó khăn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.