Theo chuyên gia về độc chất thì trong bể ngầm có rất nhiều khí độc có thể cướp đi tính mạng của con người. Thời điểm vừa qua nước sạch Sông Đà nhiễm dầu bẩn sẽ có rất nhiều gia đình thau rửa lại bể, mọi người cần phải chú ý tới mối nguy hiểm này.
BS Nguyễn Xuân Mai – nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM – cho biết nguy cơ ngạt khí luôn rình rập người dân, người lao động ở bất cứ nơi đâu. Các giếng sâu hoặc hầm chứa trên boong tàu, thuyền, sà lan… lâu ngày không sử dụng thường tích tụ nhiều loại khí độc.
Người dân cần cẩn trọng trước khi xuống bể thau rửa. Ảnh Phương Thảo
Ở những nơi này khí độc thường nặng hơn oxy nên chìm phía dưới, còn nồng độ oxy rất thấp, chỉ 10-12%, trong khi nồng độ CO2 lại rất cao. Do vậy, ai đó chỉ cần thò đầu xuống là bị ngạt. Đặc biệt ở các hệ thống cống sâu, hầm xử lý nước thải chất độc càng nhiều.
Theo bác sĩ Xuân Mai, để tránh bị ngạt khí khi vào giếng sâu, hầm sâu, thùng sâu, hầm chứa, thùng chứa kín lâu ngày… phải mở toang nắp, đeo mặt nạ dưỡng khí mới được xuống. Với người dân không có mặt nạ cũng phải mở rộng nắp cho thoáng, có máy thổi dưỡng khí (oxy) xuống hầm, hố, cống, giếng để pha loãng khí độc và đẩy khí độc lên, khi không khí trở lại bình thường mới được xuống làm việc.
Tốt nhất trước khi chui xuống hầm kín, cống, giếng, bồn chứa… nên thả xuống bó đuốc, nến để kiểm tra. Nếu lửa tắt chứng tỏ ở đó thiếu oxy, rất nguy hiểm vì có nhiều khí độc, không nên xuống. Cần chú ý khi có người xuống cống, giếng, hầm… làm việc phải có người ở trên quan sát người ở dưới.
Người xuống phải đeo dây bảo hiểm ở lưng, kết nối với dây an toàn của người ở trên. Ta nên có quy ước theo dõi sự an toàn, chẳng hạn nếu giật dây liên tục là phải nhanh chóng kéo người ở dưới lên ngay. Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý việc chui xuống cứu người bị ngạt mà không có phương tiện bảo hộ có thể làm người ứng cứu chết theo.
Trong tình huống xảy ra ngộ độc người dân cần lưu ý chỉ cứu nạn nhân khi có đủ trang thiết bị bảo hộ. Nếu đưa được nạn nhân ra ngoài, thường thì cần hỗ trợ hô hấp, cấp cứu ngừng tim, bằng cách ép tim, khai thông đường hở, móc đờm dãi trong họng, rồi gọi cấp cứu đến.
Tránh trường hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay vì có thể khiến mất não do không có oxy.
Hạnh An (t/h)