– Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, trong đó có những công trình… nằm bất động.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà (người đội mũ) kiểm tra công trình cấp nước thôn Triểm Đức, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) đang xuống cấp
Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để nâng cấp, sửa chữa các công trình.
Nhiều công trình không hiệu quả
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình Unicef, 134, 135, Đông Tây Hội ngộ, Mục tiêu quốc gia Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH- VSMTNT), Xây dựng NTM…, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 89 công trình cấp nước tập trung. Theo đánh giá của Trung tâm NSH- VSMTNT Phú Yên, trong số các công trình được xây dựng, hiện có 32 công trình hoạt động hiệu quả (chiếm 37,65%), 20 công trình hoạt động trung bình (chiếm 23,53%), 16 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 18,82%), 17 công trình không hoạt động (chiếm 20%) và 4 đang nâng cấp, sửa chữa. Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc trung tâm cho biết, trong số 17 công trình hoạt động kém hiệu quả, các địa phương đã rà soát đề xuất lập các thủ tục xin thanh lý 13 công trình. Bởi nếu nếu nâng cấp cũng không ổn vì không có nguồn nước ổn định, địa hình trải dài, suất đầu tư quá lớn. Bên cạnh đó, trong số các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh, có 1 công trình có công suất thiết kế và khai thác 500 m3/ngày/đêm, còn lại hầu hết các công trình có công suất dưới 500m3/ngày/đêm và chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Bộ Y tế. Cũng chính vì số lượng công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động còn chiếm tỷ lệ cao nên tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới chỉ đạt 38,8%. Đó là chưa kể những tháng mùa nắng từ tháng 4 đến hết tháng 9 (thời gian khoảng 5 tháng/năm) các địa phương trên địa bàn tỉnh đều bị thiếu nguồn nước sử dụng.
Người dân phải đi gánh nước
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, nắng nóng kéo dài xảy ra từ tháng 4 đến đầu tháng 5 vừa qua, toàn tỉnh có 13.309 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ở những nơi thiếu nước, người dân bỏ công đi lấy nước ở các vùng lân cận hoặc mua nước về dùng. Sau đó có mưa người dân ở vùng thiếu nước sử dụng nước giếng trong gia đình, thế nhưng đến đầu tháng 7 này, tình trạng nắng hạn quay trở lại, người dân phải đi gánh nước, mua nước trở lại.
Người dân thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) gánh nước sông Kỳ Lộ về dùng.
Tại thôn Phú Tân 1, xã An Cư (huyện Tuy An), bà Nguyễn Văn Tân cho biết vùng này nhà nào cùng có giếng nhưng đều cạn trơ đáy, giếng còn nước thì nhiễm mặn từ đầm Ô Loan. Vì vậy người dân phải bỏ tiền mua nước 70.000 đồng/xe nước về dùng 3 ngày là hết, nhà nào tiện tặn dùng 4 bữa là cùng. Còn tại xã An Thọ (huyện Tuy An), nắng nóng khiến cây cối khô héo, giếng đào cạn kiệt. Ông Phan Văn Long, chỉ cái giếng trơ đáy nói: “Giếng tôi đào sâu nhất trong vùng, vừa qua đêm có mưa, sáng ra chắt được đôi thùng nước để dành uống, còn tắm giặt phải ra suối. Bình thường phải ra suối xa 3-4 cây số gánh nước về uống”. Theo thống kê của UBND huyện Tuy An, tại 10 xã của huyện, hầu hết đang thiếu nước sinh hoạt. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện mực nước ở các suối trên địa bàn các xã trên cao như An Lĩnh, An Thọ đã cạn kiệt, không còn dòng chảy. Trong khi đó, mực nước ngầm tại các giếng đào, giếng khoan ở nhiều địa phương dưới đồng bằng như An Cư, An Dân, An Mỹ cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Tình hình hạn, thiếu nước vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt. Đồng bào dân tộc thiếu số ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), hằng ngày vất vả đi gánh nước về dùng. Ông Kpá Bố, đang đi gánh nước, mệt mỏi nói: “Sẩm tối tôi đi làm rẫy về lấy thùng ra giếng cạnh bờ sông gánh nước. Ngày nào cũng phải đi kiếm nước về, vì vùng này giếng đào khô cạn”. Khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt cho nông dân, UBND tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia NSH- VSMTNT tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, gửi Bộ NN- PTNT. Dự kiến nhu cầu vốn từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 956,4 tỉ đồng. Trong đó, ưu tiên khởi công mới một số dự án trong giai đoạn 2016-2020, một phần trả nợ các dự án hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn, chuyển tiếp từ giai đoạn trước.
(Theo NNVN)