Chiều 4/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi Họp báo thường kỳ quý I/2025, thông tin tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025.
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp Bùi Huy Sơn đã báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025.
Theo đó, các kết quả trong quý I/2025 tương đối khả quan nhưng đòi hỏi các đơn vị luôn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó trong bối cảnh những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2025, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Ba nhóm giải pháp phát triển thị trường trong nước
Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung thực hiện tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên và Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết nêu trên của Chính phủ.

Về bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định cần thực hiện 3 nhóm giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh phong trào tiêu dùng sản phẩm nội địa trên các kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa các chương trình ưu đãi, giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và gia tăng hiệu quả mua sắm. Phát triển các mô hình tiêu dùng kết hợp trải nghiệm, như trung tâm thương mại số, kết hợp thương mại - văn hoá - du lịch,… giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Khuyến khích các sàn thương mại điện tử lớn triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, phát động phong trào Gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên nền tảng số.
Thứ hai, đảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu tác động từ biến động kinh tế bên ngoài. Phát triển hệ thống logistics thông minh, kết hợp kho bãi hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu vận chuyển, giảm chi phí phân phối. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về cung - cầu và giá cả hàng hóa, giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh. Tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa, gắn kết sản xuất với hệ thống phân phối, thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Thúc đẩy việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên toàn quốc.
Thứ ba, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số. Đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nâng cao vai trò của các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện đại, đảm bảo nguồn hàng đa dạng và chất lượng. Cải tạo và nâng cấp hạ tầng thương mại truyền thống, kết hợp với các mô hình bán lẻ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy giao dịch số và nâng cao tính minh bạch trong thương mại. Thu hút đầu tư vào các mô hình bán lẻ thông minh, như cửa hàng tự động, thanh toán qua nhận diện sinh trắc học, logistics thông minh, giúp hiện đại hóa ngành bán lẻ.
Tăng cường kết nối cung - cầu, bảo đảm ổn định thị trường. Tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giảm khâu trung gian, giúp giá cả hợp lý và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt. Thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa để người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm chất lượng. Phối hợp với các địa phương xây dựng phương án cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả, đặc biệt trong các dịp cao điểm để tránh hiện tượng khan hàng, sốt giá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác điều hành giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Quán triệt thực hiện kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tập trung phục vụ hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức, nhãn hàng lớn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức thực thi. Tiếp tục mở rộng hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí thông tin rộng rãi, kịp thời các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tới mọi tầng lớp trong xã hội, bằng hình thức phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế sai phạm.
6 nhiệm vụ để xuất khẩu tăng trưởng bền vững
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng bền vững, cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trong hoạt động xuất khẩu:
Một là, tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến về giá cước và biến động của thị trường vận tải kho vận trên thế giới và trong nước để có khuyến nghị kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp.
Hai là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ba là, chủ động trong xây dựng các giải pháp, chính sách kịp thời, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp để nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo, phân tích, đề xuất giải pháp phản ứng chính sách kịp thời với khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới.
Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu sang đa dạng các thị trường mới, song song với các thị trường trọng điểm.
Năm là, khai thác hiệu quả các FTA, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA mới và các FTA nâng cấp; đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các cam kết, tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn các cam kết trong đó trọng tâm là đào tạo về quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng.
Sáu là, thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) về việc lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa; chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác phòng vệ thương mại góp phần thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật đúng thời hạn nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội ngành hàng.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại, cụ thể: Đề án 316 “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”; Đề án 824 “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; Đề án 1659 “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới”. Tiếp tục tham gia đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Tiếp tục nâng cao nhận thức, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại trong cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức, cá nhân liên quan. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật phòng vệ thương mại, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, đào tạo bồi dưỡng; xây dựng, duy trì bản tin điện tử/bản tin giấy về phòng vệ thương mại; các báo cáo phòng vệ thương mại theo tháng/quý/năm.
Duy trì cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng
Về thúc đẩy sản xuất công nghiệp, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi…), nội địa hoá ngành công nghiệp đường sắt phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia nhằm sớm đưa những nguồn lực này vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế. Tích cực phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan triển khai các giải pháp như: khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối, cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ, định mức tiêu hao tiên tiến xây dựng theo mô hình hợp lý (định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư,…) để tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước…
Tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu. Vận dụng các kênh đối thoại ngoại giao và thông qua hệ thống các Thương vụ tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới cho các ngành xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống để thúc đẩy sản xuất trong nước... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Để tiếp tục bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 1822/CĐ-BCT ngày 15/3/2025 về việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các nhà máy điện trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 1 khẩn trương khắc phục các khiếm khuyết bất thường tại các nhà máy điện nêu trên, bảo đảm các tổ máy vào vận hành ổn định trong thời gian sớm nhất trước cao điểm mùa khô năm 2025; Các nhà máy điện tuân thủ kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa đã được duyệt, nỗ lực rút ngắn thời gian, tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục các khiếm khuyết, bảo đảm vật tư dự phòng nâng cao độ tin cậy vận hành.
Bảo đảm cung ứng nguồn nhiên liệu đầu vào (than, dầu, khí) để phục vụ cho nhu cầu phát điện; Tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành các công trình về nguồn điện và lưới điện truyền tải, đặc biệt là các Dự án: nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng, tổ máy S1 của nhà máy điện Vũng Áng 2, nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4, lắp đặt tụ bù ngang nâng cao khả năng truyền tải cho khu vực miền Bắc.
Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay ngay sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công hàm, cũng như các kênh khác nhau để tiến tới thu xếp điện đàm với người đồng cấp là trưởng đại diện Thương mại Mỹ để tiếp tục có đàm phán.
Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.