Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án sân golf Hòa Bình trên diện tích 140,13ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (đã có quyết định thu hồi 61,58ha) chưa đúng quyết định (tháng 11/2019) của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Tháng 6/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh này chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả (địa hình đồi núi dốc có đường vào) để phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động…
Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch dự án Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh Vĩnh Hằng vào diện tích 66,17ha đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (là đất được Thủ tướng phê duyệt cho Công ty được giữ lại sau cổ phần hóa). Dự án trên không có trong quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không có trong Nghị quyết năm 2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị việc UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng cho ý kiến xử lý đối với diện tích đất thực hiện dự án sân golf Hòa Bình
Ngoài ra, tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho các dự án với diện tích 263,42ha chồng lấn lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình và UBND các huyện cấp GCNQSD đất cho các hộ dân nhận khoán đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình tại các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Lạc Sơn và UBND TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình là 280,94ha (tổng diện tích 544,36ha). Việc này trái quy định tại Nghị định 181/NĐ-CP (Nhà nước không cấp GCNQSD đất cho người nhận khoán đất trong các nông, lâm trường).
Từ đây, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình một số nội dung liên quan. Cụ thể, rà soát, xử lý đối với việc thu hồi đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án chồng lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, trái với Quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai (Dự án Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh Vĩnh Hằng huyện Kỳ Sơn, Dự án Khu nhà ở sinh thái huyện Lương Sơn).
Đồng thời, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng cho ý kiến xử lý đối với diện tích đất thực hiện dự án sân golf Hòa Bình.
Không chỉ có sai phạm tại dự án sân golf Hòa Bình, trước đó vào tháng 1/2021, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã công bố kết luận thanh tra UBND tỉnh Hoà Bình trong công tác quản lý Nhà nước ngành xây dựng và một số đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Cụ thể, đồ án quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 không có hồ sơ lấy ý kiến cộng đồng cư dân. Thanh tra Bộ chỉ ra trách nhiệm thuộc UBND huyện Mai Châu, đơn vị tư vấn lập quy hoạch là liên doanh tư vấn Trung tâm thiết kế quy hoạch xây dựng Hoà Bình và Công ty CP tư vấn- Xây dựng Covic.
Đồ án QHCT TL 1/5000 Khu đô thị mới Hoà Bình có diện tích đất ở vượt 80.456,83m2 (tương đương 268%) so với diện tích đất ở theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hoà Bình đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Khu đô thị mới ở thành phố Hòa Bình có diện tích đất ở vượt 78.803,7m2 (tương đương 12%) so với diện tích đất ở theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hoà Bình đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Thanh tra Bộ cũng chỉ ra đây là trách nhiệm thuộc chủ đầu tư, Sở Xây dựng và UBND tỉnh Hoà Bình.
Về nhà ở, công sở và thị trường bất động sản, thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra UBND tỉnh Hòa Bình đã không công khai trên cổng điện tử của UBND tỉnh các nội dung về dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn; không có văn bản chỉ đạo của Sở Xây dựng công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng các thông tin về nhà ở có đủ điều kiện để bán, cho thuê mua, được huy động vốn; không tổ chức xây dựng hệ thống thông tin và có sở dữ liệu về nhà ở tại địa phương. Điều này thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh.
Về công tác quản lý chất lượng công trình, tại dự án cải tạo, nâng cấp đường 435, tỉnh Hoà Bình, chủ đầu tư không có thông báo chấp thuận nghiệm thu; không mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định.
Dự án Đường nối Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, thành phố Hoà Bình không có hồ sơ công tác giám sát khảo sát xây dựng bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi; không có giấy phép do UBND tỉnh Hoà Bình cấp để triển khai các hoạt động có liên quan đến đê Quỳnh Lâm…
Tất cả điều này thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm thuộc về Ban Giao thông tỉnh, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng.
Với những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền để xẩy ra các sai sót, vi phạm và chỉ đạo khắc phục các vi phạm.
Hà Anh