Những bệnh da liễu rất dễ gặp trong mùa mưa bão

Huyền Anh|10/11/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mùa mưa bão dân vùng ngập nước thường hay có nguy cơ mắc bệnh da liễu nào? Nguyên nhân vì sao và ai là những đối tượng có nguy cơ cao?

Lũ lụt là một trong những thảm họa thiên nhiên phổ biến ở nước ta. Tất cả những người tiếp xúc và ngâm nước bẩn lâu ngày đều có nguy cơ mắc các bệnh về da và 1 số bệnh lý toàn thân. Các bệnh lý về da được phân loại thành 4 nhóm, đó là: (i) các bệnh viêm da (ví dụ: viêm da tiếp xúc); (ii) nhiễm trùng da (ví dụ: nhiễm nấm và vi khuẩn); (iii) bệnh ngoài da do chấn thương; và (iv) các bệnh ngoài da khác (ví dụ như phản ứng do côn trùng cắn và cảm xúc tâm lý làm trầm trọng thêm các bệnh da nguyên phát.

Viêm da tiếp xúc

Giai đoạn cấp tính của viêm da tiếp xúc kích ứng bắt đầu với sự xâm nhập của hóa chất hoặc chất gây kích ứng qua da, gây tổn thương tế bào sừng và giải phóng các chất trung gian gây viêm. Việc ngâm mình lâu trong nước ngập là một trong những nguy cơ gây tổn thương tế bào sừng, dẫn đến viêm và kích ứng.

Sự khởi phát của các triệu chứng thay đổi từ vài phút đến vài ngày tùy thuộc vào nồng độ của các chất gây kích ứng và thời gian tiếp xúc.

Biểu hiện lâm sàng là các mảng ban đỏ tại vùng tiếp xúc, mụn nước, cảm giác châm chích, bỏng rát và đau nhức

Điều trị: tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng và giữ khô tổn thương để ngăn ngừa các bệnh da thứ phát. Điều trị hỗ trợ bằng các thuốc có chứa corticosteroid tại chỗ và kháng histamine toàn thân.

Nhiễm nấm da

Việc tiếp xúc với nước lũ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm da. Bàn chân nơi tiếp xúc với nước bẩn nhiều nhất nên dễ mắc nấm nhất. Biểu hiện ban đỏ, mụn nước, trợt loét da kèm theo ngứa nhiều.

Mặc quần áo ẩm và tự ý bôi thuốc có chứa corticoide làm bệnh nặng thêm

Bàn chân nơi tiếp xúc với nước bẩn nhiều nhất nên dễ mắc nấm nhất

Bệnh da bội nhiễm do chấn thương

Vết thương do chấn thương thường là tình trạng ban đầu, sau đó là nhiễm trùng thứ phát. Biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy như viêm mô bào, hoại tử và nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết.

Làm sạch vết thương, bôi mỡ kháng sinh và băng vết thương là một trong những cách điều trị hiệu quả nhất đối với những vết thương bị nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh dự phòng thường được dùng trong trường hợp vết thương bị nhiễm bẩn, có nguy cơ nhiễm trùng cao. Tiêm vaccin phòng uốn ván trong trường hợp cần thiết.

Bệnh da do côn trùng đốt, cắn như muỗi, kiến

Triệu chứng thông thường của muỗi đốt là sẩn huyết thanh. Nghiêm trọng hơn có thể có xuất huyết, hoại tử. Tránh muỗi đốt là cách phòng ngừa lý tưởng nhất, mặc quần áo dài tay và sử dụng màn chống muỗi và chống côn trùng, v.v.

Kiến cắn có thể gây nên tổn thương viêm tại chỗ hoặc toàn thân (dị ứng)

Làm sạch tổn thương bằng xà phòng nhẹ, băng ép, chế phẩm làm dịu và tránh trầy xước để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát (đây là biến chứng phổ biến nhất của những vết đốt này). Bôi các chế phẩm chứa corticosteroid và uống thuốc kháng histamine để giảm các triệu chứng ngứa và đau là những phương pháp điều trị thích hợp.

Cảm xúc tâm lý Làm trầm trọng thêm Bệnh da nguyên phát

Căng thẳng tâm lý có thể làm trầm trọng thêm 1 số bệnh như viêm da dị ứng, mày đay, rụng tóc từng đám, phù mạch, vẩy nến và bạch biến….

Huyền Anh

Bài liên quan
  • Cách phòng tránh dịch bệnh mùa mưa bão
    Moitruong.net.vn – Trước tình hình mưa lũ vẫn tiếp diễn phức tạp tại miền Trung, Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bệnh da liễu rất dễ gặp trong mùa mưa bão