(Moitruong.net.vn) – Sỏi thận là bệnh lý rất thường gặp ở con người, đặc biệt với những người lao động. Nếu bạn mắc một hay thậm chí là nhiều hơn những dấu hiệu dưới đây, có khả năng bạn đã bị sỏi thận.
>>>Những dấu hiệu thiếu sắt trầm trọng ở phụ nữ
Sỏi thận gây nhiều phiền toái trong cuộc sống
Nguyên nhân dẫn đến sỏi thận
Sỏi thận là hiện tượng lắng đọng những chất khoáng trong thận, lâu ngày kết tạo thành sỏi. Sỏi có thể cọ sát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu tiện ra máu. Lâu ngày sỏi thận có thể gây viêm nhiễm, xơ hóa đường niệu.
Nguyên nhân chính của sỏi thận là do uống nước không đủ. Lượng nước tiểu tạo thành ít. Khi đó, các chất khoáng như calci, oxalic… sẽ tích tụ nhiều ở thận gây ra sỏi thận.
Do chế độ ăn uống thiếu hợp lý, thói quen ăn mặn, ăn nhiều thịt là một nguyên nhân dẫn đến sỏi thận. Đôi khi, ăn quá nhiều rau cũng có thể gây ra sỏi thận.
Các bệnh lý đường tiết niệu như, u xơ tuyến tiền liệt, u xơ đội lên vào lòng bàng quang có thể khiến nước tiểu đọng lại, lâu ngày tạo ra sỏi thận.
Ở nữ giới, các bệnh viêm nhiễm phụ khoa có thể lây lan sang đường niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất tiết của cơ thể, từ đó hình thành sỏi.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đã bị sỏi thận:
Đau mạn sườn là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đã bị sỏi thận
Tiểu nhiều, tiểu buốt
Một trong những dấu hiệu sớm và thường gặp nhất ở những người bị sỏi thận là đi tiểu nhiều dù lượng nước bạn uống vào không thay đổi. Việc đi tiểu buốt là do các viên sỏi đã di chuyển từ bàng quang ra niệu đạo.
Đau mạn sườn, đau lưng
Các bệnh nhân sỏi thận thường có chung triệu chứng đau ở mạn sườn và đau lưng, ngay dưới xương sườn, nơi có thận. Khi bệnh phát triển, các cơn đau có thể di chuyển từ vùng bụng dưới xuống vùng háng và vùng dưới lưng. Người bệnh có thể sẽ trải qua những cơn đau khi thì nhẹ, lúc thì đau nhói. Đàn ông bị sỏi thận còn có thể đau ở bìu và tinh hoàn.
Nước tiểu hồng
Bệnh sỏi thận khiến nước tiểu của bạn thay đổi màu sắc sang hồng, đỏ và tối sẫm. Khi các hạt sỏi lớn dần và làm tắc niệu đạo, nước tiểu của bạn sẽ pha một chút máu.
Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn cũng là hiện tượng thường gặp ở người bị sỏi thận. Bạn có thể nôn do những cơn đau quá sức bởi sỏi thận, hoặc nôn vì đây là cách duy nhất tống chất độc ra khỏi cơ thể khi thận đã không còn tác dụng bài tiết chất cặn bã.
Nước tiểu hôi
Nước tiểu của bệnh nhân sỏi thận thường đục và có mùi hôi, hăng do có chứa nhiều chất độc và hóa chất.
Đau khi ngồi lâu
Khi sỏi thận phát triển thành những viên to, bệnh nhân khó có thể ngồi hay nằm ở một tư thế nhất định trong thời gian dài. Áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng bởi sỏi thận khiến sỏi cọ xát vào nhiều cơ quan nội tạng, làm bệnh nhân đau hơn.
Sốt
Sỏi thận dễ khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu, và điều này khiến họ sốt và gai người.
Sưng
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sỏi thận có thể sưng thận. Bạn có thể nhận thấy vùng bụng chứa thận, khu vực bụng xung quanh và háng bị sưng.
Cách phòng ngừa sỏi thận:
Có chế độ ăn hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa sỏi thận
Để phòng ngừa sỏi thận, mỗi người nên uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày). Uống đủ nước sẽ giúp các chất khoáng calci và oxalat được đào thải ra ngoài, tránh tích tụ thành sỏi thận.
– Có chế độ ăn uống hợp lý. Không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa calci. Không ăn mặn, ăn nhiều đạm hay nhiều mỡ, vì đây đều là những nguyên nhân gây ra sỏi thận.
– Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat như, trà đặc, cà phê, chocolate, bột cám, ngũ cốc, rau muống…
– Tập thể dục thường xuyên cũng có thể ngăn ngừa được sỏi thận.
Yến Anh (T/h)