Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2020

Mai An (t/h)|01/08/2020 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ tháng 8/2020, hàng loạt chính sách mới liên quan đến các lĩnh vực giao thông, giáo dục, quốc phòng… sẽ có hiệu lực.

CSGT cấp huyện được tuần tra, xử phạt trên quốc lộ

Theo Thông tư 65 của Bộ Công an có hiệu lực từ 5/8, Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ sau:

– Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không phải tuyến trọng điểm, có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp và các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương hoặc đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT.

– Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp các tuyến đường chính, tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

– Phối hợp với Phòng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT.

Như vậy, nếu như trước đây công an cấp huyện chỉ được phối hợp với Phòng CSGT tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên quốc lộ theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh thì nay đơn vị này đã được phép tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên một số tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ…

Cấp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải

Theo thông tư của Bộ Công an về quy trình đăng ký xe, thu hồi biển số áp dụng từ 1/8, tất cả xe tải, xe khách, taxi, xe hợp đồng phải chuyển sang biển màu vàng, không loại trừ xe mới hay cũ. Khi đổi, tài xế có thể được giữ số cũ, không cần mang xe trực tiếp đến và không phải cà số khung, số máy, chỉ cần mang theo giấy đăng ký, thẻ căn cước và biển số. Việc đổi biển diễn ra trong ngày.

Từ 1/8, tất cả xe tải, xe khách, taxi, xe hợp đồng phải chuyển sang biển màu vàng, không loại trừ xe mới hay cũ.

Cũng theo thông tư này, từ ngày 1/8 đến 31/12/2021, người dân, tổ chức có ôtô, xe máy mua qua nhiều đời chủ, thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển nhượng cũng được sang tên, đổi chủ.

Xe chưa cấp biển có thể tham gia giao thông

Nội dung này được quy định tại Thông tư 58 của Bộ Công an về việc quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Văn bản này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/8.

Theo đó, xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông cần đăng ký tạm thời.

Như vậy, chỉ cần đăng ký tạm thời, các xe chưa có biển sẽ được phép tham gia giao thông. Trước đây, Bộ Công an chỉ cho phép đăng ký tạm thời và tham gia giao thông với trường hợp ôtô lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác…

Tuy nhiên, xe đăng ký tạm thời chỉ được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.

Cũng tại Thông tư 58, Bộ Công an sẽ có thêm 4 trường hợp phải thu hồi đăng ký xe, biển số xe so với quy định cũ, gồm: xe đã đăng ký nhưng không đúng hệ biển; xe thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu; xe quân sự không còn nhu cầu cấp biển số xe dân sự; xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định.

4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện

Từ ngày 5/8, khi Thông tư 65 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, chỉ còn 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện. Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông (CSGT).

Cụ thể, CSGT được dừng phương tiện trong 4 trường hợp sau:

– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác.

– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

– Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm…

Công an xuất nhập cảnh chỉ được trích 20% số tiền thu được

Thông tư 41/2020 của Bộ Tài chính quy định, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thu phí xuất nhập cảnh chỉ được trích lại 20%, thay vì 30% như hiện nay. Số còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.

Phần được giữ lại, các đơn vị sử dụng mua vé máy bay, ăn ở, thuê phiên dịch, canh giữ người nước ngoài bị lưu giữ; chi khám chữa bệnh khi người nước ngoài bị ốm; áp giải người nước ngoài cư trú trái phép, vi phạm pháp luật về nước; chi bổ sung thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8.

Gia đình quân nhân dự bị được trợ cấp đến 240.000 đồng/ngày

Nghị định 79 do Chính phủ ban hành quy định về chế độ, chính sách trong xây dựng huy động lực lượng dự bị động viên sẽ có hiệu lực từ ngày 21/8.

Ngoài quân nhân dự bị thì gia đình của họ cũng được hưởng trợ cấp với mức 160.000 đồng/ngày với gia đình quân nhân dự bị thuộc diện lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; 240.000 đồng/ngày đối với gia đình quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng trên.

Đặc biệt, nếu quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám bệnh, chữa bệnh thì gia đình được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2020