Những hiểu lầm trầm trọng về cách phòng và chữa bệnh đau mắt đỏ

Mai Anh|26/11/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bệnh đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây và có thể phải mất nhiều thời gian để điều trị. Nhưng đáng tiếc là nhiều người vẫn có những hiểu lầm về bệnh khiến việc phòng và chữa bệnh chưa hiệu quả.

Hiểu lầm trầm trọng về cách phòng bệnh

Nhiều người cho rằng chỉ cần nhìn vào mắt người bị bệnh đau mắt đỏ là sẽ lây bệnh và mắt càng đỏ thì càng chứng tỏ bệnh nặng, khả năng lây lan nhanh hơn. Chính vì vậy, nếu chẳng may bị bệnh thì cần đeo kính râm để hạn chế sự tiếp xúc bằng mắt với những người khỏe mạnh, nhằm tránh bệnh lây lan.

Thực tế, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đau mắt đỏ là bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, nước bọt, ôm hôn, bắt tay, đặc biệt là qua nước mắt của người bị bệnh vì nó chứa nhiều virus gây bệnh. Nếu đứng gần giao tiếp với người bệnh, virus từ người bệnh có thể lẫn vào không khí và chuyển sang người lành, kết quả là bệnh lây truyền chứ không liên quan đến chuyện có nhìn vào mắt người bệnh hay không. Việc đeo kính râm cũng là để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn vì khi bị đau mắt, việc tiếp xúc với ánh mặt trời sẽ khiến họ khó chịu.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng là bởi vì ngoài lây qua đường hô hấp, virus dễ di chuyển từ người bệnh vào các vật dụng như nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân… Và nếu người khác chạm vào những vật này hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh thì khả năng nhiễm bệnh sẽ rất cao.

Đau mắt đỏ lây qua đường nào?

Khi nhìn những triệu chứng, những khó chịu do đau mắt đỏ mang lại cũng như biến chứng của bệnh, mọi người sẽ thường tìm hiểu đau mắt đỏ lây qua đường nào. Theo kinh nghiệm của nhiều người cũng như lời khuyên từ các bác sĩ nhãn khoa, khi biết được đau mắt đỏ lây qua những đường nào, bạn sẽ biết cách chăm sóc mắt, phòng tránh giúp giữ cho mắt sáng khỏe.

Với băn khoăn bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào, bạn có thể xác định được một số đường lây lan phổ biến như sau:

Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay…

Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…)

Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…)

Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi)

Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…

Một số lưu ý phòng bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, cộng đồng cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những hiểu lầm trầm trọng về cách phòng và chữa bệnh đau mắt đỏ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.