Những lưu ý về an toàn thực phẩm trong mùa vải

Mai Nhi|19/06/2018 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Vải là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao và là loại trái cây ngon được ưa thích vào mùa hè của nhân dân ta. Tuy nhiên, ăn vải như thế nào, ăn bao nhiêu là đủ để tránh gây ngộ độc thì vẫn nhiều người còn chưa biết.

Chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng khuyến cáo người dân không nên ăn vải trong lúc đói. Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, Ths. Lê Hồng Dũng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo sách Nam dược thần diệu của Tuệ Tĩnh, quả vải được gọi là lệ chi, có vị ngọt, tính hàn, không độc, hòa khí, thông tinh thần, trị nặng đầu, đậu sợi. Về mặt dinh dưỡng, 100g cùi vải có chứa khoảng 15 gam đường, 36 mg vitamin C (tương đương lượng vitamin C trong quả cam), ngoài ra còn chứa một số vitamin khác như B1, B2, B6, niacin, folate và chất khoáng quan trọng như magie (10 mg), kali (171 mg), đồng (148 mg), selen (0,6 mg).

Tháng 6 năm 2017 tại Cao Bằng xảy ra chùm ca bệnh làm 4 trẻ em phải vào viện cấp cứu, trong đó 3 trẻ tử vong, nghi do viêm não và nghi do liên quan đến ăn quả vải xanh trong vườn nhà các trẻ này. Bộ Y tế sau đó đã kết luận nguyên nhân làm trẻ tử vong là do viêm não – màng não và không liên quan đến chuyện ăn vải.

Tuy nhiên, tại Ấn Độ, nghiên cứu gần đây nhất của các nhà khoa học được đăng trên tạp chí Lancet (4/2017) đã cho thấy khi ăn vải lúc đói, kết hợp yếu tố nhịn đói bữa tối ngày hôm trước có liên quan tới các ca bệnh cấp tính liên quan đến thần kinh và có tỷ lệ tử vong cao. Cụ thể, ở Muzaffarpur – vùng trồng vải lớn nhất Ấn Độ – hàng năm đều xảy ra các vụ bùng phát bệnh thần kinh cấp tính với tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em. Nghiên cứu nói trên ở 390 bệnh nhân (trong đó có 122 người chết) đã phát hiện chất hypoglycin A và methylencyclopropyl glycine (MCPG) trong nước tiểu các bệnh nhân. Xét nghiệm cũng cho thấy hàm lượng các chất này trong quả vải xanh cao gấp 2-3 lần so với vải chín. Hypoglycin A và MCPG là hai chất gây ra triệu chứng hạ đường huyết và triệu chứng bệnh não ở động vật thí nghiệm, do ức chế quá trình chuyển hóa axit béo thành đường glucose.

Ths. Lê Hồng Dũng cho biết: “Mặc dù chưa có nghiên cứu nào công bố về hàm lượng hypoglycin A và MCPG trong quả vải ở Việt Nam, nhưng theo các nghiên cứu đã công bố trên thế giới, để đảm bảo an toàn trong mùa vải đang đến hiện nay, người tiêu dùng, đặc biệt người dân ở vùng trồng vải cần lưu ý các điểm sau: Tuyệt đối không ăn quả vải xanh, vải chưa chín hẳn, không nên ăn vải lúc đói. Cần đảm bảo ăn đủ bữa tối để tránh hạ đường huyết. Người dân ở vùng trồng vải cần có sẵn đường glucose để phòng trường hợp hạ đường huyết nếu nghi ngờ ngộ độc do ăn vải”.

Mai Nhi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những lưu ý về an toàn thực phẩm trong mùa vải
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.