Cho đến sáng nay, ngày 4-4 Việt Nam ghi nhận 239 ca nhiễm Covid 19, trong đó chữa khỏi là 90 người, chưa có người tử vong. Số người nhiễm không nhiều so với các nước Ý, Pháp, Mỹ. Song, chỉ ngần đó thôi cũng đủ để người Việt “mệt nhoài” và “báo động toàn quốc” về mức độ lây lan, nguy hiểm của dịch Covid 19 đang hành hoành khắp toàn cầu.
Bên cạnh cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vào cuộc chống dịch. Bên cạnh sự chủ động phòng chống của từng gia đình, mỗi cá nhân ý thức cao trong “tự phòng”; thì hàng ngàn y, bác sĩ và những tình nguyện viên khắp ba miền Bắc- Trung- Nam đang thầm lặng làm việc trong bệnh viện, ở những khu cách ly tập trung. Nơi họ làm việc không có tiếng súng, chẳng có đạn bom, nhưng hiểm nghèo hơn những “chiến binh” thời chiến trận. Bởi kẻ thù của họ không phải hữu hình xương thịt, chẳng có súng gươm, đạn pháo; mà là Covid- một loại vi rút nguy hiểm có sức lây lan mạnh vô hình. Nó “ẩn nấp” ở bất kỳ chỗ nào, lây nhiễm cho bất kỳ ai nếu tiếp xúc gần người nhiễm.
Các bác sĩ miệt mài trong phòng xét nghiệm, ảnh Nam Trần
Hơn hai tháng qua, những bác sĩ áo trắng ở các bệnh viện Trung ương, cơ sở phải “gồng mình” trong bộ bảo hộ chống phơi nhiễm nóng nực để cứu chữa người bệnh. Có nam bác sĩ gia đình ở ngay địa bàn Hà Nội, nhưng không về thăm vợ con được. Phần vì tránh lây nhiễm cho cộng đồng, phần vì phải túc trực 24/24 giờ để “sẵn sàng ứng cứu”. Có nữ y sinh phải tạm biệt con gái nhỏ ở nhà với bà nội. Gần tháng qua, chị coi Bệnh viện nhiệt đới Trung ương là nhà, bệnh nhân là người thân thiết. Dẫu vẫn hiểu công việc chị đang làm hiểm nguy đến tính mạng bất cứ lúc nào. Song y đức của người thầy thuốc không cho phép chị dừng bước, trách nhiệm với cộng đồng, không cho phép chị gần người thân để tránh lây nhiễm. Trong những ca trực, chị nén lòng nhớ con. Gọi điện, chị nghe tiếng con nói “sao mẹ chưa về” mà ứa nước mắt.
Những tình nguyện viên chuyển khẩu trang cho một cơ sở y tế để cấp cho những người cách ly. Nam Trần
Xúc động biết bao Đài truyền hình ghi lại hình ảnh một nam tài xế mặc nguyên đồ bảo hộ, ngồi nép trong góc hầm xe ăn vội suất cơm hộp trước khi tiếp tục làm nhiệm vụ. Rơi nước mắt những hình ảnh các nhân viên y tế, bác sỹ đắp trên người manh chiếu, tranh thủ chợp mắt sau một ngày làm quá tải. Cảm động đến nhói lòng hàng trăm tình nguyện viên mồ hôi nhễ nhại chạy đua với thời gian đem từng suất ăn từ phòng chia cho người cách ly. Khâm phục vô cùng những chiến sĩ quân đội ở vùng biên ải Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái ngày tuần tra chốt chặn, đêm canh gác phòng gian không cho người nhập cư trái phép…
Hơn 90 triệu người dân đất Việt, là hơn 90 triệu trái tim thổn thức, khâm phục những “người hùng” đang ngày đêm thầm lặng hi ở các trung tâm y tế, ở những khu cách ly đặc biệt, và ở những biên ải rừng núi xa xôi. Họ thực sự là “những chiến binh” thời bình lặng im tiếng súng.
Mai Thắng